Những chiếc bánh tráng phơi sương đầu tiên ở Tây Ninh ra đời cách đây hàng trăm năm nhưng vẫn giữ được hương vị cho đến tận ngày nay nhờ có nhiều thế hệ người dân vẫn âm thầm giữ lửa cho lò bánh truyền thống.
Làng nghề bánh tráng Trảng Bàng
Nằm trên quốc lộ 22, cách trung tâm thành phố Tây Ninh hơn 40 km. Đến ấp Lộc Du của thị trấn Trảng Bàng du khách sẽ thấy nơi đây có khá nhiều lò bánh chuyên nghiệp chuyên sản xuất bánh tráng phơi sương cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận mà nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Người làm nghề ở đây cho biết bánh tráng ra lúc đầu chỉ là loại bánh tráng nem rất mỏng, phơi sương đêm dễ rách nên người ta đã nghĩ ra cách tráng thêm hai lớp bánh chồng khít lên nhau, cho thêm chút muối để bánh dẻo và đậm đà, phơi nắng vừa khô rồi nướng bằng than đậu phộng cho có độ phồng mềm rồi đem phơi sương. Hơi sương sẽ ngấm từ từ vào bánh, giúp bánh mềm, không đổi màu, không cần nhúng nước trước khi ăn.
Đất Trảng Bàng được trời cho ngày nhiều nắng, đêm lắm sương. Khoảng thời gian từ ban đêm về sáng, sương giăng mờ cả đất. Để làm ra được bánh tráng phơi sương thì người dân nơi đây cũng phải một nắng hai sương thức khuya dậy sớm. Chính vì thế, bánh tráng phơi sương không chỉ đơn thuần là một nguyên liệu mà nó còn là tinh hoa, là tấm lòng của người dân Trảng Bàng gửi gắm tới mọi người.

Để làm ra được một chiếc bánh tráng phơi sương ngon thì quan trọng nhất là việc chọn nguyên liệu. Sau đó mang gạo đã ngâm vào xay cùng với nước, và tiếp tục lọc kĩ bột để loại những tạp chất cho chiếc bánh tráng được trong suốt.
Công đoạn tráng bánh mới thực sự là một nghệ thuật. Trên chiếc nồi nước nấu sôi, một tấm vải mỏng được căng ra, bột gạo hòa nước được rải đều lên mặt vải, khi bột chín sẽ tạo nên chiếc bánh tráng trong suốt, được lấy ra đem trải lên giàn phơi. Nhưng khác với nhiều loại bánh tráng ở nhiều vùng miền khác, bánh tráng Trảng Bàng thường được tráng đến hai lớp. Bánh vừa chín còn ướt sẽ được đem ra ngoài nắng phơi cho khô để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo.
Nướng bánh là công đoạn quan trọng tạo nên màu sắc đặc trưng của bánh tráng phơi sương. Bánh tráng sau khi phơi khô đem vào nướng ở một chiếc lò nướng đặc biệt được sử dụng nhiên liệu đốt bằng “vỏ đậu phộng”, điểm đặc biệt lưu ý là bánh không được nướng quá chín và quá phồng nên chỉ nướng sơ trên mặt lửa cho đến khi thấy bánh tráng nổi những hạt bong bóng nhỏ trên mặt và ngã sang màu trắng đục thì dừng lại.
Bánh tráng sau khi nướng xong được xếp lên giàn và chờ đến tờ mờ sáng hôm sau, lúc sương xuống thì đem bánh ra phơi, và chỉ phơi bánh trong khoảng thời gian ngắn, nếu phơi lâu bánh sẽ bị mềm, ẩm ướt và không ngon. Đây là công đoạn quyết định thành công của bánh tráng, vì thế đòi hỏi người làm bánh phải có chút công phu và chịu khó. Người phơi bánh phải “thức” cùng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là xếp lại ngay bỏ vào trong bao, lót lá chuối để giữ độ mềm, xốp.

Chuyện giữ nghề bánh tráng xưa
Cứ độ 2 giờ sáng, cả làng bánh tráng lại rực ánh đèn. Người bắt tay nhóm lửa, người khuấy bột, nêm nếm cho đủ vị, người chuẩn bị tráng bánh cho kịp phơi sương sớm. Hàng trăm năm trôi qua, những người ở làng làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng vẫn giữ nguyên cái nếp ấy.
Tin cùng chuyên mục:
Cầu truyền hình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Báo Nhân dân phát hành phụ san đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)
Văn Miếu – Quốc Tử Giám: Hành trình từ Di sản đến Không gian sáng tạo
Hát bội: Loại hình sân khấu cổ cần được lưu truyền