Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 22km về phía Đông Bắc, làng nghề Đồng Kỵ phát triển mạnh mẽ bởi sự năng động, tư duy thương mại của những người thợ, những nghệ nhân và những người am hiểu thị trường nơi đây. Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai của vợ chồng nghệ nhân Chử Văn Hướng và Vũ Thị Mai là một trong số những doanh nghiệp nổi tiếng nhất tại làng nghề Đồng Kỵ với loạt sản phẩm cao cấp như: Bộ bàn thờ tứ linh cao cấp gỗ gụ, bộ bàn ghế rồng đỉnh gỗ trắc, bộ bàn ghế minh quốc nghê bảo đỉnh cột 22, các sản phẩm tượng phật được điêu khắc tinh xảo…
Mỹ nghệ Hướng Mai: Hồn cốt trong từng sản phẩm
Doanh nhân Vũ Thị Mai cùng chồng là ông Chử Văn Hướng dành cả tuổi trẻ vào nghề làm đồ gỗ. Sau giai đoạn làm thuê ban đầu, bà cùng chồng thuê thợ, chế tác sản phẩm theo đơn đặt hàng. Khởi đầu đó vô cùng khó khăn, vất vả bởi xung quanh đều là các thương hiệu đã có tên tuổi. Tuy nhiên, nhận thấy nhiều sản phẩm gia công, thiếu nét đặc trưng của làng nghề Đồng Kỵ, khiến “nữ tướng” càng thêm quyết tâm lập nghiệp, giữ gìn tinh hoa tổ nghề lưu truyền lại. Hướng Mai ra đời từ đó.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Vũ Thị Mai cho biết: “Tôi tâm niệm, không phải ngẫu nhiên mà làng nghề Đồng Kỵ được biết đến là một trong những làng gỗ mỹ nghệ nổi tiếng nhất cả nước, bởi vậy, nhất định phải bảo tồn những giá trị tinh hoa của nghề gỗ mỹ nghệ mà ông cha dày công tạo dựng. Chính vì lẽ đó, hơn 30 năm qua, chúng tôi xác định, dù vất vả gian nan tới đâu cũng phải giữ vững lập trường, sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách”.
Kiên định với mục tiêu, CEO Vũ Thị Mai xác định con đường của Hướng Mai là làm ra sản phẩm không chỉ đẹp và tinh xảo mà còn toát ra hồn cốt từ những tấm gỗ vô tri. Để làm được như vậy, CEO Vũ Thị Mai đã có những bước đi đột phá, quyết định táo bạo trong cải tiến kỹ thuật. Bà đã áp dụng những kiến thức học từ thầy, từ bạn hàng, đối tác để đưa công nghệ chiếm 30% khối lượng công việc thô như cắt, xẻ, tạo phôi,.. thay thế sức người, giúp chi phí sản xuất giảm đi đáng kể. Mặt khác, đội ngũ thợ cũng có nhiều thời gian và công sức cho việc chạm khắc tinh xảo, tạo ra hồn cốt từng sản phẩm.
Tại Hướng Mai, mỗi sản phẩm là đứa con tinh thần được nghệ nhân Chử Văn Hướng (nghệ nhân có tay nghề cao, từng đạt nhiều danh hiệu như Bàn Tay Vàng, Kỷ lục gia Việt Nam về nhà thờ tổ nghề làm từ gỗ Lim) và những người thợ kỹ lưỡng, chăm chút và phải trải qua nhiều công đoạn. Thay vì làm gỗ ép và hoa văn bằng máy, thợ ở Hướng Mai sử dụng gỗ nguyên khối và chạm trổ bằng đôi tay khéo léo và óc sáng tạo để tạo ra sản phẩm có tính “độc bản”, bền mãi với thời gian. Nhờ vậy, sản phẩm của Hướng Mai nhận được sự tín nhiệm không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc…
Với nhà máy 3.000m2, 5 xưởng sản xuất nhỏ ở Bắc Ninh và Hà Nội, 2 Trung tâm thương mại Hướng Mai Center 9 tầng, tổng diện tích gần 20.000m2 chuyên trưng bày các sản phẩm truyền thống nhằm phục vụ khách hàng cả nước và quốc tế, Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai được đánh giá là một trong những đơn vị uy tín trong làng nghề Đồng Kỵ, được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc; được ghi danh trên trang kỷ lục của Trung ương hội kỷ lục gia Việt Nam – Tổ chức kỷ lục Việt Nam – Vietkings vào năm 2018.
Nhà thờ Tổ nghề: Nơi những câu chuyện về Tổ nghề sẽ tiếp tục được kể
Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa nghề thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ, suốt 7 năm qua, nghệ nhân Chử Văn Hướng đã xây dựng nhà thờ tổ nghề Hướng Mai với thiết kế 2 tầng, 9 gian. Công trình đã được Liên minh kỷ lục thế giới – Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam cho “Công trình Nhà thờ Tổ bằng gỗ lim lớn nhất do gia đình thực hiện để tri ân Tổ nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ”.
Tham quan ngôi nhà thờ Tổ, khách tham quan sẽ không khỏi choáng ngợp bởi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết trong thiết kế và xây dựng. Toàn bộ Nhà thờ được làm bằng gỗ lim và dát vàng 9999. Những chi tiết đục kênh bong điệu nghệ, các đường đục ăn sâu vào thớ gỗ tạo nên đường nét nổi bật với góc nhìn ba chiều cực kỳ sống động cùng với lối kể chuyện điển tích – điển cố trải trên từng hoa văn, chạm trổ, khắc gọt, mài rũa đã kiến tạo nên những tác phẩm từ gỗ mang đầy sinh khí, hồn phách của đời sống con người. Mỗi khúc gỗ lim nguyên khối, mỗi nét đục đẽo, chạm trổ tinh xảo không chỉ phản ánh sự tỉ mỉ, công phu mà còn chứa đựng trong đó tình yêu và lòng kính trọng đối với tổ tiên, với Tổ nghề đồ gỗ mỹ nghệ – người đã truyền nghề cho người dân làng Đồng Kỵ, giúp họ sống và làm giàu từ chính đôi bàn tay khéo léo.
Tầng 1 của Nhà thờ là Văn phòng trưng bày sản phẩm. Không gian phòng khách sử dụng rất nhiều sản phẩm được làm bằng gỗ trắc, gỗ cẩm lai, gỗ mun. Xuất phát từ tình yêu với nghề, bàn tay tài nghệ của nghệ nhân và những vần thơ của bạn vè, khách hàng gửi tặng, đã là nguồn cảm hứng để nghệ nhân Chử Văn Hướng có ý tưởng chạm khắc vào từng thớ gỗ, tạo ra sản phẩm mang tính độc nhất. Bên trong nhà thờ tổ được gia đình nghệ nhân treo tranh chạm khắc tinh xảo và những câu thơ do những người bạn yêu mến Hướng Mai đề tặng, có thể kể đến là bức chạm khắc “Vũ Gia tứ đức tam tòng/Người nơi phố thị tấm lòng thôn quê/Mai vàng nở giữa làng nghề/Vinh danh Đồng Kỵ bốn bề hưng long”. Ngoài ra, các trụ cột bằng gỗ lim được gia đình sử dụng bằng chất liệu sơn ta để công trình được lưu giữ và bảo quản bền lâu.
Tầng 2 là toàn bộ khu thờ của Nhà thờ tổ Hướng Mai. Phòng làm việc có bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai, được làm theo mô hình bàn ghế làm việc của Tổng thống Mỹ xưa, được khảm bằng ốc Singgapore đẹp và tinh xảo. Trong phòng làm việc treo rất nhiều Bằng khen, Chứng nhận các Bộ, ban ngành trao tặng cho Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai, cá nhân nghệ nhân Chử Văn Hướng, bà Vũ Thị Mai và các thành viên trong gia đình như một lời nhắc nhở các thế hệ sau cùng cố gắng để duy trì và phát triển thương hiệu đồ gỗ Hướng Mai nói riêng, Đồng Kỵ nói chung vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, điều quý giá ở đây không phải là những bộ bàn ghế mà chính là ở các chi tiết chạm khắc. Những cánh cửa với các hoạ tiết tùng – cúc – trúc – mai phỏng theo bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, những bức tranh phong cảnh Việt Nam với mong ước “bốn mùa bình an phát tài phát lộc”.
Tầng 2 cũng là nơi để mọi người đến chiêm ngưỡng và làm lễ. Nhà thờ tổ Hướng Mai có các ban thờ: Cụ Tổ nghề Việt Nam Nguyễn Công Nghệ; Thánh Chử Đồng Tử – một trong tứ bất tử của Việt Nam và cũng là cụ tổ dòng họ Chử; Đức Phật tổ Như Lai; Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; các cụ tổ dòng họ và bố mẹ nghệ nhân Chử Văn Hướng.
Nhà thờ Tổ nghề Hướng Mai không đơn thuần chỉ là một công trình kiến trúc, mà còn là nơi truyền tải tinh hoa của làng nghề Đồng Kỵ; không chỉ để nhắc nhớ công ơn tổ tiên, mà còn là nơi gặp gỡ của các thế hệ trong gia đình, cùng nhau ôn lại truyền thống, tinh thần yêu nghề và lòng tự hào dân tộc. Tại đây, con cháu dòng họ và hơn 200 cán bộ công nhân viên của gia đình được khắc ghi về lòng biết ơn và trách nhiệm tiếp nối nghề truyền thống. Đáng chú ý, việc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ghi danh nơi đây là Không gian Di sản văn hoá không chỉ đánh dấu sự tôn vinh của Hội Di sản, mà còn mở ra cơ hội để ngôi nhà trở thành một điểm hẹn văn hoá, nơi những người yêu quý và trân trọng giá trị văn hoá dân tộc có thể tìm đến. Không gian này không chỉ chứa đựng quá khứ mà còn là nơi nuôi dưỡng, lan toả tinh thần gìn giữ văn hoá qua từng thế hệ. Đây là nơi mà những câu chuyện về ông Tổ nghề đồ gỗ mỹ nghệ sẽ tiếp tục được kể, những giá trị văn hoá không bao giờ phai nhạt.
Còn nhớ, tại Lễ khánh thành Nhà thờ Tổ nghề Hướng Mai diễn ra vào tháng 3/2024, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, đã khẳng định: Hơn 30 năm hình thành và phát triển, Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai do vợ chồng ông Chử Văn Hướng (Chủ tịch HĐQT Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai) và bà Vũ Thị Mai (Ủy viên BCH Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai) đã và đang thực hiện khát vọng “đưa tinh hoa nghề mộc đi khắp năm Châu”; vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa nỗ lực tích cực tìm tòi và ứng dụng những thiết bị hiện đại vào quy trình sản xuất để tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước. Các sản phẩm của công ty tiếp tục tỏa đi khắp nơi làm đẹp cho đời, mang giá trị sử dụng, giá trị tinh thần, giá trị văn hóa đến với muôn nhà.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Nhà thờ Tổ nghề Hướng Mai sẽ là nơi các thành viên Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai cùng dòng tộc gắn kết một lòng, gìn giữ gia phong, phát huy tinh hoa, giá trị truyền thống nghề mộc mà cha, ông để lại. Nhà thờ còn có ý nghĩa rất quan trọng giúp thương hiệu Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai phát triển bền vững hơn trong thời kỳ hội nhập với thế giới.
“Điều rất đáng trân trọng là kỹ thuật tạo tác của các nghệ nhân nơi đây đều dựa trên nguyên tắc “lấy thủ công làm chủ đạo”. Những nghệ nhân đang từng ngày miệt mài truyền thụ nghề cho những lớp thế hệ kế cận lưu giữ và phát huy nghề cổ truyền của dân tộc. Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tin tưởng trong thời gian tới, Bà Vũ Thị Mai và Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai sẽ tiếp tục phát huy những ảnh hưởng của mình, lan tỏa hơn nữa những thành công, trở thành tấm gương đổi mới sáng tạo của doanh nhân, góp phần xây dựng đội ngũ Doanh nhân Tư nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành và phát triển”, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhấn mạnh.
Còn Họa sĩ Trịnh Yên – Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhận xét: Các nét chạm khắc của công trình này đầy đủ và sắc sảo. Ngôi thờ này xứng đáng được đánh giá cao về họa tiết, kiến trúc, ngai thờ.
Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Mai chia sẻ: Ngôi nhà thờ Tổ nghề là tâm nguyện của nghệ nhân Chử Văn Hướng. Anh luôn có trăn trở là làm thế nào để tri ân được tổ tiên, tổ nghề, nơi đã cho mình một cái nghề để làm việc, để cống hiến, gắn bó. Trong suốt hơn 30 năm qua, anh luôn tâm huyết và đau đáu làm thế nào và chọn nơi nào để xây dựng được nhà thờ tổ nghề. Và cũng rất may khi gia đình có đủ duyên lành mua được khu đất này và gỗ quý. Lúc nào, trong tâm thức vợ chồng tôi cũng nghĩ, chúng tôi có một cái nghề, sống được bằng nghề, là nhờ ơn phước của tổ tiên. Và việc đầu tiên cần làm là phải tri ân tổ tiên, nhớ ơn những người đã tạo dựng nghề tổ của ông cha, sau đó là tạo dựng nên thương hiệu của làng nghề đồ gỗ Đồng Kỵ.
“Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi không nghĩ là mình lại có thể cùng với chồng tạo nên sản nghiệp này. Tôi đã từng 10 năm trời trong bệnh viện để chăm sóc con trai bệnh nặng, 3 năm con mới biết đi và nhiều năm mới biết nói. Tôi đã nỗ lực học hỏi không ngừng hơn 20 năm qua, học hỏi tại nhiều trường lớp, học hỏi ngoài cuộc sống. Tôi tin vào việc gieo nhân lành sẽ gặt được quả ngọt”, bà Mai nói.
Gọi là công trình nghệ thuật cũng không quá bởi các chi tiết hoa văn, họa tiết đều được các nghệ nhân sáng tạo trên nguyên tắc “Lấy thủ công làm chủ đạo”. Từ cánh cửa, mặt tường, bàn thờ đến các loài cậy tùng – cúc – trúc – mai được các nghệ nhân chạm trổ công phu. Mỗi nét chạm khắc đều thể hiện một khát vọng, mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp. Tất cả hòa quyện vào nhau thành một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng tâm hồn và trái tim của người Việt.
Lan tỏa giá trị làng nghề
Không dừng lại ở việc xây dựng ngôi nhà thờ tổ, gia đình anh chị Hướng Mai đã khéo léo sử dụng các nền tảng truyền thông hiện đại để lan toả giá trị làng nghề. Nhiều video, bài viết được phát hành trên các trang mạng xã hội đã góp phần quảng bá văn hoá làng nghề Đồng Kỵ đến với cộng đồng rộng lớn hơn. Các lớp đào tạo, chia sẻ tình yêu nghề thường xuyên được mở ra, tạo cơ hội cho cán bộ công nhân viên hiểu thêm về nguồn cội, về giá trị nghề nghiệp mà họ đang gắn bó. Những cuộc thi về tình yêu với nghề đồ gỗ mỹ nghệ cũng được phát động, khuyến khích sự sáng tạo và đam mê trong mỗi người thợ.
Được biết, sắp tới, anh chị Hướng Mai sẽ còn ra mắt cuốn sách đặc biệt mang tên “Thắp lửa nghề”, một tác phẩm tâm huyết ghi lại những câu chuyện, kinh nghiệm và tinh hoa của nghề đồ gỗ mỹ nghệ. Cuốn sách này không chỉ là lời tri ân sâu sắc với ông Tổ nghề, mà còn là tài liệu quý giá cho những ai muốn tìm hiểu và học hỏi về nghề truyền thống. “Thắp lửa nghề” không chỉ là một cuốn sách, mà là nguồn cảm hứng, một ngọn lửa tinh thần sẽ thắp sáng và duy trì niềm tự hào của những người làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ. Tác phẩm được xem là một trong những tinh hoa trí tuệ do chính người trong nghề tạo ra, mang đậm dấu ấn của những người thợ tâm huyết và gắn bó với nghề.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực kinh doanh đồ gỗ và đóng góp vào việc gìn giữ bảo tồn sự phát triển của làng nghề Đồng Kỵ, doanh nhân Vũ Thị Mai còn đảm nhiệm nhiều vị trí ở các tổ chức khác nhau như: Ủy viên BCH Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hoá Á Đông, Phó Viện trưởng Viện Trí Việt,… và là diễn giả của nhiều chương trình lớn nhỏ trên khắp cả nước, tiêu biểu là: Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các công cụ cải tiến KAIZEN.5S với các làng nghề Việt Nam tại Đại học Ngoại Thương; Chương trình Hoa Mặt Trời tại chùa Hoằng Pháp; Diễn đàn quốc tế Văn hoá với Doanh nghiệp; Chương trình Quản lý Điều hành Cao cấp toàn cầu;… Khi đã có chút vốn liếng, doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường, bà quyết tâm theo học Đại học, và đến khi sang tuổi 52, bà đã giành bảng Tiến sĩ. Tháng 12/2023 nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Ấn Độ và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng khởi sắc, CEO Vũ Thị Mai đã được trường Đại học Apollos (Mỹ) trao tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự chuyên ngành Kinh tế.
TS Vũ Thị Mai và Công ty TNHH Đồ Gỗ Mỹ Nghệ Hướng Mai đã vinh dự được các tổ chức xã hội lớn và tỉnh Bắc Ninh tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý, nổi bật như: Doanh nhân văn hóa – Nữ tướng thời bình, Bằng khen của Ban Chấp hành Hội nông dân tỉnh Bắc Ninh, Bảng vàng cống hiến của Viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Á Đông, Bằng khen của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, TOP 10 doanh nhân tiêu biểu nghề truyền thống 2014, TOP 10 thương hiệu hàng đầu 2020, TOP 20 thương hiệu nổi tiếng đất Việt 2022, Chứng nhận Doanh nghiệp tiêu biểu của Diễn đàn quốc tế Vành Đai và Con đường được tổ chức tại HongKong (Trung Quốc)… cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, khát vọng cháy bỏng được góp sức mình vào công cuộc khôi phục, gìn giữ và phát triển của làng nghề truyền thống mà doanh nhân Vũ Thị Mai cùng chồng là ông Chử Văn Hướng đã và đang góp phần đưa thương hiệu gỗ Việt được “bay cao, bay xa” trên trường quốc tế.
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam