Được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX dưới triều đại Vua Gia Long, Cột cờ Hà Nội (còn gọi là Kỳ đài) trên đường Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội đã trải qua hơn 200 năm lịch sử. Đến nay, Cột cờ này vẫn là một chứng tích ghi dấu những trang sử oanh liệt của Thăng Long – Hà Nội, đồng thời là biểu tượng thiêng liêng, đại diện cho ý chí độc lập và tự chủ của dân tộc Việt Nam.
Kiến trúc chứng kiến 200 năm lịch sử
Kỳ Đài là một trong những công trình kiến trúc quý báu còn lại thuộc khu vực Thành cổ Hà Nội may mắn thoát khỏi sự phá hủy của thực dân Pháp trong những năm 1894- 1897.
Kỳ Đài cao 33,4m, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều dài 42,5m; cao 3,1m, có hai thang gạch dẫn lên. Tầng hai, mỗi chiều dài 27m; cao 3,7m có 4 cửa, phía trên mỗi cửa khắc các chữ Hán như: “Nghênh Húc” (đón ánh sáng ban mai) ở phía đông, “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu) ở phía Tây, “Hướng Minh” (hướng về ánh sáng) ở phía Nam, cửa Bắc không có chữ đề. Tầng ba, mỗi chiều dài 12,8 m; cao 5,1m có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân Cột Cờ, cao 18,2m; hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy chừng 2m.
Các cột mốc lịch sử của Cột cờ Thủ đô
Cột cờ Hà Nội được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, từ năm 1805 đến 1812, cùng thời gian với Thành Hà Nội. Công trình được xây dựng theo kết cấu dạng tháp, có vai trò là đài quan sát khu vực nội và ngoại thành lúc bấy giờ. Đây cũng chính là lý do mà chính quyền đô hộ Pháp không phá bỏ công trình này trong giai đoạn từ 1894 – 1897.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Cột cờ được bộ đội Phòng không Hà Nội trấn giữ và sử dụng với mục đích tương tự. Năm 1945, sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, là lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đỉnh Kỳ đài. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi hoàn toàn, lá Quốc kỳ lại một lần nữa tung bay.
Ngày 10/10/1954, đúng 15h là thời khắc mà tiếng Quốc ca vang vọng giữa tiếng hò reo và hình ảnh lá cờ bay phất phới. Cũng chính từ giây phút đó, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Hà Nội đã trở thành biểu tượng cho nền độc lập, tự do của đất nước Việt Nam. Năm 1989, Kỳ đài chính thức được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử.
Khuôn viên di tích
Nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nên du khách sẽ dễ dàng được tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc xe tăng, máy bay trực thăng và các hiện vật khác của bảo tàng khi đứng tại đây. Bên cạnh đó, khách du lịch có thể nhìn ngắm những điểm tham quan nổi tiếng khác của Hà Nội bằng cách di chuyển lên đài quan sát trên cùng.
Khi nhìn về hướng Bắc, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của nhiều di tích như Lầu Công Chúa, Đoan Môn và Cửa Bắc. Nhìn sang hướng Đông, bạn sẽ thấy được nhà Bưu Điện cùng nét đẹp bình yên của Hồ Hoàn Kiếm. Hướng Tây của Cột cờ Hà Nội là Quảng trường Ba Đình lịch sử cùng với Lăng Bác và Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và nếu hướng ánh nhìn về phía Nam, du khách sẽ được nhìn ngắm một không gian bao la với nhiều địa điểm nổi tiếng khác của Hà Nội.
Diệu Linh
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam