Mùa Cốm Hà Nội: món quà của Hà Thành

Khi nhắc đến văn hóa ẩm thực Hà Nội, những người sành sỏi không thể không kể đến cốm, như một điều hiển nhiên. Cốm là nét đặc trưng riêng của Hà Nội, một món ăn vặt “độc đáo” đã được gìn giữ qua bao thế hệ. “Hà Nội mùa thu, hương hoa sữa thoảng bay, xanh màu cốm mới…”.

1. Cốm Vòng – tinh hoa của hạt lúa non

Thạch Lam, khi viết về cốm trong tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phường”, ông miêu tả cốm “như một món quà đặc biệt của đồng quê, một thứ quà giản dị nhưng đầy ý nghĩa, gắn liền với mùa thu Hà Nội”.

Ông mô tả cốm với tất cả sự tỉ mỉ và yêu thương, từ màu sắc xanh non tươi mát, đến hương vị thanh dịu, mềm mại, và cách mà người Hà Nội thưởng thức cốm: nhấm nháp từng hạt cốm, hoặc ăn cùng chuối chín. Thạch Lam không chỉ nói về cốm như một món ăn, mà còn gợi lên những giá trị văn hóa và tinh thần, thể hiện tình yêu sâu sắc của ông đối với Hà Nội và những nét đẹp thanh tao của cuộc sống nơi đây.

Theo các bậc cao niên kể lại, cốm làng Vòng bắt đầu từ cách đây cả ngàn năm. Một hôm khi sữa lúa bắt đầu đọng hình, cây lúa uốn câu thì chợt trời mưa bão tầm tã. Đê vỡ, nước sông tràn vào, nhấn chìm đồng ruộng trong nước sâu. Khắp nơi mất mùa, đói kém rình rập, than khóc vang trời. Những người không nỡ để công sức bao tháng ngày của mình bị đổ hết đi, họ liền ra các ruộng lúa đã ngã rạp, mò lấy những bông lúa non, về đem rang khô ăn dần chống đói. Thật may là cái thành phẩm có phần bất đắc dĩ đó, không những cứu nạn cả làng mà còn có vị rất hấp dẫn, ngọt ngọt, dẻo dẻo lại thơm lạ thơm lùng. Vì thế, mỗi năm khi lúa bắt đầu tròn hạt, người dân làng Vòng lại cắt lúa về để ăn lai rai cho vui miệng.

2. Mùa cốm về trên Hà Nội

Cốm là món quà thiên nhiên ban tặng người nông dân, là món quà của lúa non được kết tinh hương vị đất trời và sương sớm. Mỗi một hạt cốm dẻo lại mang trong mình hưỡng sữa non thanh mát, và thơm phức đến độ, chỉ đi qua một gánh cốm rong là đã thấy đưa về thứ mùi nhẹ nhàng, đặc trưng thanh tao đó rồi. Bởi vậy, đây là thức quà số 1 để mang về biếu tặng người thân, bạn bè mỗi khi đi du lịch.

Cuối hè đầu thu, khi hương hoa sữa đi khắp ngõ ngách báo hiệu Thu về cũng là lúc người ta rục rịch làm cốm. Làng cốm Vòng lại rộn rã hơn bao ngày thường, người ta xát vỏ, đãi trấu, người ta giã cốm thình thịch, có khi đến khuya vẫn chưa nghỉ tay. Cốt sao cho sáng sớm, có gánh cốm thơm, dẻo hơi ấm, trao tận tay những con người đang mòn mỏi đợi thu về trong sắc cốm xanh mát.

Người sành ăn, không bao giờ mua quá nhiều cốm, họ chỉ mua từng chút một, tầm 1 đến 2 lạng nhâm nhi dần. Bởi, cốm ấy, giữ độ dẻo chỉ có tầm ngót nghét 1 ngày, không có chất bảo quản nên để lâu cũng khó.

“Cốm tươi không nên để lâu, thời tiết ẩm ướt thì cốm dễ mốc, trời hanh thì cốm khô cứng, mất đi cái dẻo dai – thứ gây nghiện nhất của cốm. Với cả, không có đồ giã, cũng chả có thời gian, chứ như hàng quán, cốm khô họ mang ra giã lại là dẻo như thường.” Nhiều người thích ăn cốm đầu vụ, vì hương sữa lúa rõ rệt lắm, cốm non hơn hẳn. Nhiều người, trái lại, thích cốm cuối vụ, vì lúc này hạt cốm mẩy hơn, mình dày và bùi hơn vì lúa đã chín được đôi phần. Mùi cốm thì con gái thơm xao xuyến, một phần nhờ hương lúa, một phần nhờ lá dứa ướp màu, phần còn lại nhờ lá sen già bọc xung quanh, ướp cả hương đồng gió nội vào từng hạt cho thật thấm.

Bà cụ bán cốm – hình ảnh đặc trưng khi Hà Nội vào thu

Qua nhiều năm biến động, phát triển, người dân không những biết làm ra hạt cốm ngon, mà còn biết làm cho món ăn thêm dẻo, thêm xanh, thêm thơm. Danh hiệu cốm làng Vòng ngày càng lan rộng ra khắp nơi, trở thành cái tên gắn liền với tuổi thơ biết bao con người Hà Nội.

Diệu Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *