Hòn Trống Mái – một biểu tượng của du lịch Hạ Long, được in hình lên tờ tiền mệnh giá 200.000 Việt Nam đồng.
Hòn Trống Mái nằm ở phía tây nam Vịnh Hạ Long, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy 5 km, gần hòn Đỉnh Hương và hòn Chó Đá. Sở dĩ có tên gọi là hòn Trống Mái vì dựa theo hình dáng bên ngoài của nó. Phiến đá tựa như một con trống và một con mái hiện lên ngạo nghễ trên một vùng biển nước bao la. Hòn Trống Mái còn được gọi với cái tên khác là hòn Gà Chọi. Hình ảnh Hòn Trống Mái từ lâu là cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời:
“Có những người tha thiết yêu nhau
Khắc tên mình lên hòn Trống Mái
Chữ chưa mờ họ đã quên nhau
Tình đá vẫn ngàn năm cùng trăng dãi…”
Sự tích Hòn Trống Mái
Không ai biết rằng hòn Trống Mái có từ bao giờ nhưng trong câu chuyện của người Việt xưa, hòn Trống Mái đã xuất hiện trong câu truyện truyền thuyết về Vịnh Hạ Long:
Chuyện kể rằng, vào thời người Việt mới lập nước, sau khi rồng mẹ cùng đàn rồng con đáp xuống giúp dân đánh đuổi giặc ngoại xâm đã ở lại hạ giới. Đợi mãi mà không thấy đàn rồng trở về, Ngọc Hoàng liền sai một đôi gà trống xuống đánh thức đàn rồng trở về. Nhưng Ngọc Hoàng đã phái nhầm một gà trống gà mái. Khi xuống nhân gian, đôi gà thấy phong cảnh hữu tình, mải mê chơi, quấn quýt bên nhau mà quên cả nhiệm vụ, đến lúc hóa đá lúc nào không hay. Vì vậy, Hòn Trống Mái cũng từ đó mà trở thành biểu tượng của sự gắn kết lứa đôi, của sự khát khao hạnh phúc mà người xưa đã khéo léo gửi gắn vào vùng đất Hạ Long này.
Khám phá vẻ đẹp hòn Trống Mái
Giữa một vùng mây trời và biển nước bao la, hòn Trống Mái hiện lên thật ấn tượng. Lúc bình minh lên, những ánh nắng nhuộm vàng đôi gà khổng lồ thuỷ chung bên nhau. Từ mặt nước, chiều cao mỗi con tới hơn chục mét. Điều đặc biệt khiến cho du khách không khỏi bất ngờ là nhìn từ xa hòn Trống Mái như không có chân. Tựa như hai hòn đá khổng lồ này lơ lửng trôi trên mặt nước.
Thực chất, khi thủy triều xuống du khách mới có thể nhìn thấy “đôi chân” của cặp gà này. Tấm thân khổng lồ ấy đã đứng sừng sững trên đôi chân nhỏ bé, được những sóng vỗ mài trải qua hàng ngàn năm.
Diệu Linh
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam