Tò he: Nét đẹp dân gian làng quê Bắc Bộ

Tò he, một trò chơi dân gian gốc thôn quê, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt. Từ đôi bàn tay khéo léo và lòng nhiệt huyết, những người làm tò he đã biến những viên bột không hồn thành những tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, rực rỡ màu sắc.

Nguồn gốc của nghề “tò he”

“Tò he” đã có mặt trong văn hóa dân gian từ lâu đời, và đặc biệt nổi tiếng tại làng nghề Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), nơi được coi là “cái nôi” của nghề nặn tò he – một nghề “độc nhất vô nhị”. Theo những người giữ gìn nghề ở làng Xuân La, nghề nặn tò he đã xuất hiện từ khoảng 400-500 năm trước. Ban đầu, tò he được làm để dùng trong các nghi lễ và thường có hình dạng các con vật, vì vậy nó còn được gọi là “đồ chơi chim cò”.

Nghệ nhân tò he Đặng Văn Hạ

Nguyên liệu tạo hình “tò he” 

Nguyên liệu chính để làm tò he là gạo nếp hoặc gạo tẻ, được ngâm nước, xay hoặc giã thành bột, sau đó nhào kỹ đến khi không dính tay và nấu chín. Kỹ thuật làm bột phải điều chỉnh theo thời tiết, với mùa đông tạo ra bột dẻo hơn mùa hè. Sau khi có bột, nghệ nhân sẽ sử dụng màu sắc từ các nguồn thiên nhiên như quả gấc, cây nhọ nồi, lá trầu không, và lá riềng để tạo nên các họa tiết và màu sắc trên tò he. Quá trình này đòi hỏi nhiều công đoạn tinh vi và kỹ năng pha màu để tạo ra những sản phẩm tò he bóng mượt và sắc nét.

Nguyên liệu làm tò he

Tò he không chỉ là một trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn được coi như những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt thu hút mọi người từ lâu. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang dần mai một, vì vậy cần có biện pháp tích cực để bảo tồn và lưu giữ, giúp tò he luôn là một phần không thể thiếu trong văn hóa dân gian của Việt Nam.

Tò he thành phẩm của làng nghề

Với một khoản chi phí nhỏ từ 20.000-25.000 đồng, du khách khi đến phố đi bộ Hồ Gươm vào cuối tuần có cơ hội tham gia trải nghiệm và tự tay làm nên những chiếc tò he. Các nghệ nhân sẵn sàng cung cấp các khay bột với đủ màu sắc như trắng, đen, xanh, đỏ, tím, vàng… Trong quá trình làm việc, họ còn hướng dẫn du khách từ các bước cơ bản như đặt tay vào sáp ong để tránh bị dính, cho đến cách uốn, nắn bột để tạo hình cho tò he.

Tò he thành phẩm
Các nghệ nhân tò he

Hiện nay, những nghệ nhân làng Xuân La vẫn trực tiếp làm và truyền dạy cho con cháu những sản phẩm của làng nghề. Tuy nhiên, niềm mong mỏi lớn nhất của họ là làm sao thời gian tới làng nghề tiếp tục phát triển và những thế hệ sau luôn tự hào, coi trọng và gìn giữ. Đồng thời nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc định hướng phát triển cho làng nghề. Đặc biệt là sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tìm ra chất liệu mới để làm tò he không những đẹp mà còn bền hơn. Có như thế, làng nghề Xuân La mới phát triển hết nội lực của mình và tò he Việt Nam mới có thể bước chân vào “sân chơi” lớn hơn.

Diệu Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *