“Tháng Bảy vía cha, tháng Ba vía mẹ (xuân thu nhị kỳ)”. Cứ vào mỗi độ xuân tế và thu tế, nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu, làng Hải Cát, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, lại tấp nập người trẩy hội. Sáng nay, ngày 23/08, tại nơi đây, đã diễn ra ngày đầu tiên trong chuỗi 3 ngày từ 23-25/08/2023 (nhằm ngày 8 – 10/7 âm lịch) của lễ hội Điện Huệ Nam (lễ hội Điện Hòn Chén). Tương tuyền, Thiên Y A Na Thánh Mẫu là nữ thần của người Chăm, là vị thần đã tạo ra đất đai, cây cối, rừng gỗ quý, lúa,ngô. Thánh Mẫu còn dạy người dân cách trồng trọt, vì vậy lễ hội Hòn Chén còn gọi là lễ vía mẹ.
Lễ cung nghinh Thánh Mẫu
Từ sáng sớm, hàng ngàn thanh đồng, đạo hữu, cùng người dân và khách hành hương từ thập phương trên cả nước đã có mặt tại Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo ở số 352 đường Chi Lăng, thành phố Huế, để chuẩn bị lễ Cung nghinh Thánh Mẫu Hội đồng Tứ phủ đến Nghinh Lương đình.
Tiến hành lễ cáo ở Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo ở số 352 đường Chi Lăng, thành phố Huế
Ngay sau lễ cáo, Ban tổ chức đã tiến hành nghi lễ Cung nghinh bằng đường bộ, đi qua các tuyến đường trung tâm thành phố Huế với quãng đường dài hơn 3 km. Cùng với các hương án, đông đảo các thanh đồng, đạo hữu trong trang phục truyền thống cùng với cờ, phướn tạo nên một đám rước đa màu sắc nhưng vẫn giữ được không khí trang nghiêm, thành kính.
Thuyền rồng ngược dòng sông Hương cung nghinh Thánh Mẫu lên thượng nguồn
Sau khi cung nghinh Thánh Mẫu đến Nghinh Lương Đình, Ban tổ chức cùng Đoàn cung nghênh đã làm làm lễ Cáo Yết cầu an trước khi nghênh giá xuống các thuyền rồng để ngược dòng sông Hương lên thượng nguồn đến điện Huệ Nam, tọa lạc tại xã Hương Thọ, thành phố Huế. Đây là một trong những hoạt động đặc sắc nhất của lễ hội. Những chiếc thuyền rồng ghép đôi trang hoàng, đèn nến sáng trưng, cờ hoa sặc sỡ, xuất phát ngược lên thượng nguồn sông Hương để đến Điện Huệ Nam. Bên trong thuyền là bàn thờ Thánh, long kiệu Thánh Mẫu, hòm sắc vua phong và các khí tự như tán, tàn, cờ quạt cùng sự tham gia của đông đảo thanh đồng đạo hữu, người phục dịch, người dân và du khách hành hương trong tiếng nhạc của phường hát văn.
Đoàn rước với khoảng hơn 80 bằng, án đã di chuyển xuống thuyền để tiến về điện Huệ Nam ở phía thượng nguồn sông Hương thuộc địa phận xã Hương Thọ (TP Huế).
Thuyền cập bến điện Huệ Nam, từng đoàn lần lượt tiến vào điện, mang theo lễ vật để dâng lên Thánh Mẫu, các vị thần. Lễ hội tiếp tục diễn ra các nghi lễ quan trọng khác như: Lễ Chánh tế và cầu nguyện Quốc thái Dân an, Lễ hành hương của Đạo hữu, Cung nghinh Thánh Mẫu và Hội đồng Tứ phủ lên dự lễ tế tại Đình làng Hải Cát. Chương trình kết thúc vào lúc 14 giờ cùng ngày, sau đó cung nghênh Thánh Mẫu quay trở về Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo.
Lễ Túc Yết tại điện Huệ Nam
Hai ngày sau của lễ hội sẽ tiếp tục các hoạt động sinh hoạt lễ hội tại khu vực Đình làng Hải Cát vào ngày 24/8; Lễ Chánh tế tại Đình làng Hải Cát, Hồi loan về Điện Huệ Nam, Lễ Hoàn tạ và Bế mạc Lễ hội tại Điện Huệ Nam vào ngày 25/8.
Đảm bảo an toàn, văn minh
Nghệ nhân Ưu tú Lê Văn Ngộ – Trưởng Ban tổ chức lễ hội, cho biết: lễ hội năm nay thu hút khoảng khoảng 20.000 đến 25.000 khách hành hương. Lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy màu sắc văn hóa tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu của cả nước nói chung và mảnh đất cố đô nói riêng”.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Văn Ngộ – Trưởng Ban tổ chức lễ hội
Theo ông Ngộ, Ban tổ chức đã phối hợp cùng các sở, ban ngành phân công trách nhiệm về an ninh trật tự, an toàn giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, hỗ trợ y tế,…
Lễ hội diễn ra nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản gắn với di tích. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Lễ hội Điện Huệ Nam tháng Bảy Âm lịch là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Huế năm 2023. Hoạt động này cũng góp phần thu hút khách du lịch đến với Huế.
Bài và ảnh: Trần An
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam