THÔNG TIN CHUNG
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Cục Di sản văn hóa là tổ chức hành chính thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về di sản văn hóa trên phạm vi cả nước; quản lý các dịch vụ công thuộc lĩnh vực di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.
Chức năng nhiệm vụ của Cục Di sản văn hóa được quy định tại Quyết định số 839/QĐ-BVHTTDL ngày 04/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Ngày nay, di sản văn hóa đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội. Công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đã có một truyền thống lâu đời và nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước. Cùng với thời gian và những thăng trầm của lịch sử đất nước, công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đã để lại nhiều dấu ấn và thành quả của mình.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chưa đầy 3 tháng sau, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL ấn định nhiệm vụ cho Đông phương Bác cổ học viện nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam.
Ngày 17/9/1959, Bộ trưởng Bộ Văn hóa ban hành Nghị định số 775-VH/ND về việc thành lập Vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa (cơ quan tiền thân của Cục Di sản văn hóa ngày nay).
Gần 50 năm qua kể từ khi thành lập, Cục Di sản văn hóa đã trải qua các giai đoạn phát triển:
I. Thời kỳ Vụ Bảo tồn bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa (1959 – 1970)
Sau khi hòa bình lập lại, Vụ Bảo tồn Bảo tàng, được chính thức thành lập theo Nghị định 775-VH/ND của Bộ trưởng Bộ Văn hóa về việc thành lập Vụ Bảo tồn bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa. Nghị định quy định Vụ Bảo tồn Bảo tàng là nghiên cứu đường lối chính sách về công tác bảo tồn, bảo tàng; sưu tầm, xây dựng hồ sơ về các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa; giúp Bộ quản lý công tác triển lãm, Viện Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Cách mạng và hướng dẫn các bảo tàng ở Trung ương và địa phương.
II. Thời kỳ Cục Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin (10/1970 – 1977)
Cục Bảo tồn Bảo tàng được thành lập theo Nghị định số 185/CP ngày 3/10/1970, của Hội đồng Chính phủ về việc sửa đổi tổ chức của Bộ Văn hóa.
III. Thời kỳ Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa và Thông tin (1978 – 1984)
Cục Bảo tồn Bảo tàng được chuyển thành Vụ Bảo tồn Bảo tàng theo Nghị định số 96-CP, ngày 28/4/1978, của Hội đồng Chính về tổ chức của ngành Văn hóa – Thông tin. Theo Quyết định số 211-VH/TT-QĐ, ngày 12/12/1978 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin, Vụ Bảo tồn Bảo tàng là cơ quan chuyên môn giúp Bộ chỉ đạo hướng dẫn và quản lý thống nhất sự nghiệp bảo tồn bảo tàng của Đảng và Nhà nước.
IV. Thời kỳ Cục Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa (1985 – 1987)
Ngày 27/3/1985, Vụ Bảo tồn Bảo tàng được chuyển thành Cục Bảo tồn Bảo tàng theo Nghị định số 88-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc kiện toàn tổ chức của ngành văn hoá. Căn cứ theo Quyết định số 186-VH/QĐ ngày 24/12/1985 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cục Bảo tồn Bảo tàng là cơ quan giúp Bộ Văn hóa quản lý nhà nước và quản lý sự nghiệp bảo tồn bảo tàng trong cả nước theo đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
V. Thời kỳ Vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch (1988 – 1994).
Quyết định số 94/HĐBT ngày 28/5/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Bộ Văn hóa trong đó có quy định Vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa. Bộ trưởng Bộ Văn hóa ký Quyết định số 590/VH-QĐ, ngày 16/6/1988 về việc chuyển Cục Bảo tồn Bảo tàng thành Vụ Bảo tồn Bảo tàng. Vụ bảo tồn bảo tàng là cơ quan tham mưu giúp Bộ Văn hóa quản lý nhà nước toàn bộ các mặt hoạt động bảo tồn bảo tàng trong cả nước nhằm thống nhất sự phát triển của sự nghiệp bảo tồn bảo tàng theo đúng Hiến pháp, Pháp lệnh và các chính sách khác của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
VI. Thời kỳ Cục Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa – Thông tin (1995 – 6/2003)
Ngày 03/5/1995, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ký Quyết định số 1917-TC/ QĐ thành lập Cục Bảo tồn Bảo tàng theo Quyết định số 132-TTg ngày 01/3/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức lại các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin. Căn cứ theo Quyết định số 1917-TC/QĐ, Cục Bảo tồn Bảo tàng là cơ quan chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo tồn, bảo tàng; được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn phát triển sự nghiệp bảo tồn bảo tàng trong phạm vi cả nước theo đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước.
VII. Thời kỳ Cục Di sản văn hóa trực thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin (Từ 7/2003 đến 1/2008).
Ngày 11/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2003/NĐ-CP quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa – Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa – thông tin bao gồm: di sản văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, báo chí, xuất bản, quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, thư viện, quảng cáo, văn hóa quần chúng, thông tin cổ động; quản lý nhà nuớc các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa thông tin.
Cục Bảo tồn Bảo tàng được đổi tên thành Cục Di sản văn hóa, trực thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin theo Quyết định số 24/2003/QĐ-BVHTT ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa.
VIII. Thời kỳ Cục Di sản văn hóa trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngày 25/12/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 185/2007/NĐ-CP quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở sáp nhập Ủy ban Thể dục Thể Thao, Tổng cục Du lịch và mảng Văn hóa của Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ).
Theo Quyết định số 189/QĐ-BVHTTDL, ngày 16/01/2008, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa được thành lập trên cơ sở Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ), có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa.