“Thị ơi Thị rụng bị bà, Thị thơm bà ngửi chứ bà không ăn” – loại quả trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám có thể đánh thức cả một miền ký ức tuổi thơ trong mỗi con người chúng ta.
Quả thị trong kí ức các thế hệ trước
Thông thường, người ta hay hái để cúng lễ và là loại quả trẻ em chúng tôi rất thích. Những năm tháng ấu thơ, thế hệ 7X, 8X hầu như đều biết trái thị và từng dùng len, sợi để đan giỏ đựng Thị treo ở đầu giường và mơ giấc mơ về cô Tấm trong truyện cổ tích.
Trồng Thị không kinh tế nên nhiều gia đình chặt bỏ, chính vì vậy mà loại quả này ngày càng trở nên hiếm hoi, khiến người ta quên đi loại quả của thời thơ ấu với cả một miền ký ức thân thương, khi đón bà, đón mẹ đi chợ về, hớn hở nhận quà là trái thị vàng ươm thơm mùi cổ tích. Và hôm nay miền ký ức tuổi thơ ấy bừng thức dậy bởi mùi hương nồng nàn khi ta gặp những trái thị vàng như chở theo cả mùa Thu của tuổi thơ, với bao kỷ niệm vui buồn yêu thương chan chứa.
Những gánh thị trên đường phố Hà Nội
Những ngày này, trên dọc các tuyến phố, con đường Hà Nội, lại thấy những đôi quang gánh chòng chành trên chiếc xe đạp cũ chở những trái thị thơm ngang phố. Hình ảnh đó khiến bao người vừa háo hức, vừa bồi hồi.
Cây Thị giờ không còn nhiều, chỉ còn lại ở trong một vài ngôi chùa cổ và trong vườn của rất ít gia đình nông thôn miền Bắc. Vì thế loại quả này càng trở nên hiếm hoi và khó kiếm. Cái màu vàng như gom hết nắng thu và mùi hương mê hoặc của loại trái cây “cổ tích” ấy càng ít, càng hiếm, lại càng gợi lên bao cảm xúc của một miền ký ức trong ta… Đẹp thơm đến mức phải hít hà đúng như câu ca “Thị ơi thị rụng bị bà, thị thơm bà ngửi chứ bà không ăn”.
Cùng với những loại hoa quả khác, thị vẫn được ưu ái một góc riêng xuất hiện khắp các nẻo phố. Hương thơm mộc mạc mà nồng nàn như một dấu hiệu của thu, đặc trưng của thức quà thu Bắc Bộ.
Diệu Linh
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam