Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm tháng 8 hàng năm, là một dịp lễ quan trọng trong truyền thống của các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Trung thu cũng là thời điểm mặt trăng tròn và sáng nhất, trùng với thời điểm thu hoạch vào mùa thu.
Ánh trăng tròn và sáng tượng trưng cho sự sum vầy, đoàn viên. Chính vì lẽ đó, tết Trung thu là thời điểm để mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau và cùng thưởng thức bánh trung thu và những món ăn đặc trưng khác.
Nguồn gốc ngày Tết Trung thu
Nguồn gốc của Tết Trung thu bắt đầu từ văn hóa Trung Quốc và đã trải qua hơn 3,000 năm lịch sử. Vào thời nhà Chu (1045 – 221 TCN), trong mùa thu hoạch vào mùa thu, các hoàng đế Trung Quốc cổ đại tôn thờ mặt trăng vì họ tin rằng làm như vậy sẽ mang lại một vụ mùa bội thu vào năm tiếp theo.
Từ đó, phong tục cúng tế mặt trăng được lưu truyền theo ghi nhận sử sách trong triều đại Tây Chu (1045 – 770 trước Công nguyên). Cụm từ “trung thu” lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn Chu Lễ viết vào thời Chiến Quốc (475 – 221 TCN). Nhưng vào thời điểm đó, trung thu chưa phải là một lễ hội chính thức, mà chỉ mang tính thời gian và mùa vụ.
Sự tích Tết Trung thu trở nên phổ biến hơn vào thời nhà Đường (618 – 907), càng ngày càng có nhiều người trong giới thượng lưu có phong tục ngắm trăng vào ngày rằm. Tầng lớp thương gia giàu có và các quan chức tổ chức những bữa tiệc linh đình. Họ uống rượu, thưởng ngoạn ánh trăng và người dân cúng tế, cầu nguyện với mặt trăng để có một mùa bội thu vào năm sau. Tết Trung thu dần trở thành ngày lễ vào thời nhà Tống (960 – 1279), ngày 15 tháng 8 âm lịch được chọn để làm “Tết Trung thu”.
Ở Việt Nam, sự tích Tết Trung thu đã có từ thời xa xưa, được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.
Khánh An
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam