Nghề làm giấy truyền thống ở Việt Nam

Nghề làm giấy ở Việt Nam đã xuất hiện và phát triển từ rất sớm. Theo một tài liệu cổ nước ngoài, từ thế kỷ III sau Công nguyên, người Việt đã biết chế tạo giấy. Khi đó, người Giao Chỉ đã sử dụng gỗ mật hương để sản xuất một loại giấy bản chất lượng cao, được gọi là giấy mật hương. Một nguồn tài liệu khác ghi nhận rằng vào khoảng năm 284, các thương nhân La Mã đã mua hàng vạn tờ giấy mật hương từ Việt Nam, cho thấy quy mô sản xuất giấy khi ấy đã khá lớn. Ngoài ra, theo sách “Thập dị ký” của Vương Gia (Trung Quốc, thế kỷ IV), người Giao Chỉ còn biết làm giấy từ rong rêu lấy từ đáy biển, gọi là giấy Trắc Lí.

Làng nghề truyền thống làm giấy 

Theo thư tịch cổ, vào thế kỉ XIII ở phía Tây kinh đô Thăng Long, có một xóm thợ chuyên nghề làm giấy; theo thần phả còn được lưu giữ tại các đình ở vùng này cho biết, từ thời Lý, làng Dịch Vọng đã có nhiều gia đình chuyên nghề làm giấy. Thời đó dòng Tô Lịch còn chảy qua làng, có chiếc cầu gỗ bắc qua sông, dân làng đặt tên cầu là Cầu Giấy – cầu của làng có nghề làm giấy, để ghi nhớ nghề nghiệp của quê hương. Ngày nay cầu cũ không còn, nhưng dấu tích của nghề làm giấy ở cố đô Thăng Long vẫn gắn mãi với địa danh này.

Tranh minh họa nghề làm giấy

Nghề làm giấy được khởi xướng từ khi nào? 

Vậy ai là người đã khởi xướng truyền dạy cho dân nghề làm giấy? Cổ sử Trung Hoa nói rõ ông tổ của nghề làm giấy là Thái Luân – một viên quan nhỏ sống vào thời Đông Hán (năm 105 sau CN). Nhưng thực ra, giấy đã ra đời trước Thái Luân chừng hai thế kỉ, Thái Luân có lẽ chỉ là người đã đúc kết kinh nghiệm trong dân gian để làm ra giấy một cách quy mô, bài bản hơn. Ở làng An Cốc, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên – Hà Tây, một trong những làng có nghề làm giấy lâu đời hiện vẫn giữ được một quyển sách viết bằng chữ Nôm nói về cụ tổ nghề, có đoạn như sau:

Mừng công nghĩa hiệp khéo tay,
Khuôn phép ngày rày học được Thái Luân.
Chữ rằng nghệ tinh thân vinh,
Nhờ ơn ngày trước Thái Luân học cùng.

Ngoài cụ tổ nghề giấy Thái Luân mà làng tôn thờ, dân làng nơi đây còn kể lại: Có cụ tổ nghề giấy người Việt (không rõ họ tên) người làng An Cốc đã học nghề từ Trung Quốc đem về truyền dạy cho ba làng: An Cốc, Yên Thái, Yên Hòa.

Nghề giấy vẫn được lưu giữ đến ngày nay

Người vùng Bưởi thì kể rằng, không rõ cụ từ đâu tới, chỉ biết đầu tiên cụ đến làng Yên Quyết Thượng (tức Yên Hòa) dạy cho dân cách làm giấy, nên gọi là làng Giấy, nhưng vì không hài lòng với cách cư xử ở đây, nên cụ chỉ dạy cho dân làng này làm ra loại giấy thô. Cụ bỏ sang làng Hà Khẩu dạy cho dân biết cách làm giấy quỳ vừa mỏng lại vừa dai. Đến làng Yên Thái, cụ dạy dân ba xóm: Đông, Thọ, Đoài cách làm giấy lệnh, cuối cùng sang Nghĩa Đô cụ dạy cho gia đình họ Lại cách làm giấy sắc, loại giấy này phải “nghè”, tức là dùng vồ gỗ nện vào những tờ giấy đặt trên mặt tảng đá, làm cho giấy thêm nhẵn và dai, bền. Vì thế, Nghĩa Đô còn có tên gọi là làng Nghè.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *