Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Nghề làm bánh Pía (”pía”/”pi-é” theo tiếng Triều Châu có nghĩa là bánh) tập trung ở các xã Phú Tâm, Thuận Hòa, An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Bánh Pía là loại bánh do một số người Minh Hương (người Hoa) di cư mang sang Việt Nam từ thế kỷ XVI, có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu (người Tiều).

Làng nghề làm bánh pía ở Vũng Thơm – tên gọi của 2 làng Phước Tâm (nay là Phú Tân) và Phú Nổ (nay là xã Phú Tâm, huyện Châu Thành), xuất phát từ những gia đình gốc Hoa làm bánh để ăn và bán cho dân địa phương ở những tiệm tạp hóa, quán nước, khu chợ… Lò bánh Công Lập Thành của ông Âu Minh Xương, là một trong những ông tổ của làng nghề làm bánh Pía (giờ truyền cho con là Âu Minh Châu) được coi là lò bánh đầu tiên ở làng Vũng Thơm. Sau này, thấy lò Công Lập Thành làm ăn phát đạt, những người bạn của ông Âu Minh Xương cũng đắp lò làm bánh như: Thuận Thành, Tân Hưng, Mỹ Hiệp Thành, Tạo Thành,…

Bánh Pía Triều Châu, món ăn đã du nhập vào các tỉnh miền Tây rồi được cải tiến thành bánh Pía Vũng Thơm ngày nay

Theo lời kể của những nghệ nhân làm bánh Pía đầu tiên ở vùng Vũng Thơm và của gia đình họ, nhân bánh Pía xưa kia của người Trung Hoa được làm bằng thịt vịt quay, chao cùng với mỡ heo hoặc mỡ cừu, vỏ làm bằng bột mì hoặc hạt kê, nướng lửa than. Sau khi người Hoa lưu lạc về định cư tại vùng miền Tây Nam Bộ họ dần chế biến cho hợp khẩu vị của người Việt, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương. Vỏ bánh có cấu trúc nhiều lớp da mỏng xếp chồng lên nhau và có thể lột dễ dàng ra từng lớp nên còn có tên là “bánh lột da”. Bánh Pía của người Hoa Triều Châu ngày xưa chế biến cũng khá đơn giản, bánh có hai phần: Vỏ ngoài làm bằng bột mì và phần nhân là Tàu xa lá (bánh Pía nhân đậu xanh, mứt, mỡ) hay Òn xa lá (bánh Pía nhân môn, mứt, mỡ) và đặc biệt nổi tiếng là bánh Pía Can Xại (bánh Pía nhân lá cải muối mặn) và đây cũng là những loại bánh Pía đầu tiên xuất hiện ở vùng Vũng Thơm, Sóc Trăng.

Xưởng bánh Pía Sóc Trăng

Nghề làm bánh Pía ở Sóc Trăng gắn liền với địa danh Vũng Thơm, là đặc trưng văn hóa của Sóc Trăng; là lễ vật dâng cúng, quà tặng trong các dịp lễ, Tết, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, khẳng định giá trị thương hiệu của các nghệ nhân, cơ sở sản xuất bánh. Nghề làm bánh Pía là sinh kế của các hộ gia đình làm nghề, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động địa phương. Từ lợi ích kinh tế của nghề, cộng đồng từng bước xây dựng làng nghề sản xuất hàng hóa mang tính chuyên nghiệp, sản phẩm làm ra ngày càng tinh xảo, mang nét đặc trưng vùng miền.

Bánh pía đặc sản

Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, đến nay nghề làm bánh Pía ở vùng Vũng Thơm nói riêng và ở tỉnh Sóc Trăng nói chung đã có những bước phát triển bền vững và vượt bậc. Các cơ sở, lò bánh Pía ra đời ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, nhân bánh Pía còn bổ sung thêm lòng đỏ trứng muối và các thành phần khác, cũng như phát triển và đa dạng thêm nhiều loại bánh Pía nhân mới như khoai môn, đậu đỏ,… Hiện nay nhiều công ty, cơ sở và lò sản xuất bánh Pía còn sản xuất thêm các loại sản phẩm bánh Pía chay để phục vụ cho nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau cũng như xuất khẩu sang thị trường của nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Campuchia,…

Khánh Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *