Mới đây, nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt bộ sách “Ngàn năm sử Việt” như một làn gió mới cho sách sử Việt Nam, đưa lịch sử gần hơn đến với thế hệ trẻ, thiếu niên và các độc giả nhí.
“Thập đạo tướng quân Lê Hoàn” tập trung vào sự kiện Dương thái hậu cùng triều đình, thuận với lòng dân mười đạo, binh tướng nhà Đinh đưa Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, đứng mũi chịu sào gìn giữ nền tự chủ còn non trẻ. Lê Hoàn đã dốc cạn sức mình để không phụ lòng dân binh cả nước. Ông đã làm tất cả để nhân dân Đại Cồ Việt được hưởng thái bình trong niềm tự hào độc lập.
Trong khi đó, cuốn sách “Sừng rượu thề” về đời nhà Lý dựng lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, khi triều đình nhà Lý bắt đầu dựng nghiệp xây dựng một vương quốc Đại Việt thống nhất cường thịnh sau một ngàn năm Bắc thuộc… Trong cuốn sách này, hình tượng người anh hùng Lý Thường Kiệt được khắc họa với tất cả những bi kịch của số phận khắc nghiệt, với những thử thách cay đắng dám chấp nhận sự hy sinh tột cùng trước vận mệnh của Tổ quốc…
Cũng về nhà Lý, “Ỷ Lan phu nhân” cung cấp các dữ liệu quý giá khi vua Lý Thánh Tông băng hà, thái tử Lý Càn Đức mới sáu tuổi lên ngôi, tôn hoàng hậu Thượng Dương làm thái hậu nhiếp chính và mẹ đẻ là nguyên phi Ỷ Lan làm thái phi. Thái hậu có ý xấu khiến trong cung nổi loạn. Ngoài cương giới, quân Chiêm Thành và giặc Tống thay nhau kéo binh sang xâm lược. Thái phi Ỷ Lan cùng quan thái úy Lý Thường Kiệt đã dùng tài trí, nhân đức xử trí thế nào để dẹp loạn trong giặc ngoài, mang lại cuộc sống bình yên cho dân chúng?
Cuốn sách “Hưng Đạo Vương” là tập truyện kinh điển về đề tài lịch sử, ca ngợi nhà quân sự – chính trị kiệt xuất đời Trần, người anh hùng của dân tộc, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, qua đó, khắc họa rõ nét cuộc kháng chiến hào hùng ba lần chiến thắng quân Nguyên-Mông.
Với cách viết chương hồi, kết hợp những dữ kiện lịch sử và các huyền tích, tác phẩm vô cùng hấp dẫn, ly kỳ với những trận chiến oai hùng, những cuộc tập trận hào sảng, khí thế và cả những câu chuyện tình không kém phần lãng mạn nên thơ…
Tiếp nối mạch nguồn lịch sử ấy, “Khói mây Yên Tử” được bắt đầu từ cuộc hội kiến giữa tam kiệt họ Trần, tới việc lên ngôi hoàng đế của vua Trần Thái Tông, rồi việc Trần Thủ Độ giúp gây dựng triều đại nhà Trần, và cuộc đời nhân ái đức độ của vua Trần Thánh Tông… Một câu chuyện lịch sử vô cùng cuốn hút với những công và tội, những cám dỗ quyền lực với nhân nghĩa hòa ái, những mối tình đẹp đẽ mà vô cùng gian truân trắc trở… Cuốn tiểu thuyết góp phần làm sống lại những tinh hoa của nền văn hóa và hướng tấm lòng an yên tới mảnh đất địa linh Yên Tử.
Mang đến nét thú vị, dí dỏm, tập truyện ngắn “Ông trạng thả diều” kể về các danh nhân lịch sử đời Trần. Đó là chuyện về Nguyễn Hiền, vị trạng nguyên trẻ tuổi nhất Việt Nam, đỗ trạng nguyên khi mới mười ba tuổi. Là huyền thoại về người thày đức độ Chu Văn An. Chuyện về cậu học trò có ngoại hình không đẹp nhưng thông minh kiệt xuất Mạc Đĩnh Chi. Và chuyện về đôi bạn chiến đấu anh hùng Yết Kiêu – Dã Tượng… Mỗi truyện mang tới sự hấp dẫn, và bài học ý nghĩa riêng.
“Ngựa ông đã về” lại là một truyện lịch sử viết cho thiếu nhi nổi bật của nhà văn Hoài Anh kể về khởi nghĩa Lam Sơn. Một sự nghiệp vì dân mà khởi, một chiến thắng nhờ dân mà thành. Mười năm ngoan cường, bao lần sinh tử được thuật lại bằng những câu chuyện giản dị mà đẹp đẽ, về người thủ lĩnh Lê Lợi, các quân sư, các tướng lĩnh… Và cả những người dân thường chung mối thù nhà nợ nước mà hướng về cờ nghĩa như bà mẹ Lam Sơn, bố con nhà họ Quách, cô gái Ả Đào, ông đồ mù thuộc sử Nam, cậu học trò chuộc tội bán nước cho cha, người thợ nề xây thành Trọng Nghĩa, người chế xe đánh thành Vũ Cự Luyện, nữ tướng Lương thị làng Chuế Cầu, và cả những người đàn bà cắt cỏ vô danh…
Cũng thuộc bộ sách công phu, “Hoàng đế anh minh” tập trung tái hiện giai đoạn lịch sử nhà Hậu Lê-Lê Sơ với sự kiện Lệ Đức hầu Nghi Dân tiếm vị rồi bị phế truất, Gia vương Lê Tư Thành được các đại thần trung nghĩa tôn phò lên ngôi khi chưa đến tuổi hai mươi. Trở thành vua Lê Thánh Tông, đối diện với những vấn đề quốc gia đại sự, bậc minh quân văn võ toàn tài ấy đã củng cố và hoàn thiện bộ máy chuyên chế. Không những thế, ông còn minh oan cho Nguyễn Trãi, lập hội thơ Tao Đàn, đích thân vi hành giữa nhân gian, cầm binh chinh phạt giặc ngoại bang… giúp Đại Việt trở thành quốc gia hưng vượng với mốc son Hồng Đức thịnh trị.
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam