Làng nghề nón Huế: Dịu dàng nét đẹp xứ Thừa Thiên

Làng nón Phú Cam là một trong những điểm đến nổi tiếng của cố đô Huế, thu hút du khách bởi hình ảnh những chiếc nón lá bài thơ, họa nên nét dịu dàng của nàng thơ xứ Huế. Đây là một làng nghề truyền thống không chỉ thể hiện hoạt động thủ công thuần túy mà còn thể hiện rõ những nét văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người dân cố đô.

1. Nghề làm nón

Nghề làm nón lá đã xuất hiện ở Huế hàng trăm năm nay với nhiều làng nón như Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa… Trong đó Tây Hồ là cái tên nổi bật nhất bởi đây chính là nơi xuất xứ của chiếc nón bài thơ nổi tiếng.

Nón Huế

Chiếc nón lá Huế được sử dụng rất phổ biến từ xưa đến nay, từ nông thôn đến thành thị, cả nữ hay nam, người lớn tuổi hay người trẻ tuổi. Tuy nhiên, để làm được một chiếc nón đơn sơ mộc mạc mà ai cũng có thể sử dụng lại không hề đơn giản. Đó là cả một quá trình rất nhiều công đoạn.

Người làm nón phải thực hiện khoảng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, chọn khung, uốn vành, lợp lá, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ… đến bước cuối cùng là đánh bóng bảo quản. Tất cả các công đoạn đều được người thợ làm một cách tỉ mỉ, cẩn thận, đầy sự kiên trì cùng với đôi bàn tay khéo léo và tình yêu nghề trong chính mỗi người nghệ nhân.

2. Sự tỉ mỉ, kì công trong từng công đoạn làm nón lá Huế
Để làm ra được một chiếc nón lá Huế vừa đẹp, vừa nhẹ, vừa bền là cả một nghệ thuật và công phu của những nghệ nhân trong từng công đoạn của quy trình sản xuất.

2.1. Lá nón

Nguyên liệu chính làm nón lá Huế chính là lá nón, lá của cây Bồ Diệp Quí. Người ta thường phải lên rừng để lựa những chiếc lá không quá non cũng không quá già, lá nón đẹp là lá có màu xanh nhẹ, có độ mềm với chiều dài khoảng 40-50cm. Chọn lá cũng cần kinh nghiệm sao cho lá khi khô vẫn giữ được màu xanh nhẹ.

Thợ làm khung nón

Lá nón được đem về phơi sương cho dịu lại, sau đó mới đem ủi phẳng. Lá được ủi nhiều lần cho phẳng và láng.

2.3. Khung chằm nón (Khuôn nón)

Khung chằm nón lá Huế cũng được chuẩn bị một cách cẩn thận. Khung gồm 6 cây sườn chính, dựa trên đó để bố trí 16 nan tre được vót nhỏ uốn quanh khung hình chóp nón. Người thợ làm khung nón giữ kỹ thuật tạo dáng mái, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành…

Làm khung

Với cây mác sắc, họ chuốt từng sợi tre thành 16 nan vành một cách công phu, sau đó uốn thành vòng thật tròn trịa và bóng bẩy. Kích thước truyền thống thường thấy của nón lá Huế là 16 vành. Ngoài ra cũng có các loại khung 13 vành, 14 vành hay 18 vành. Phổ biến nhất vẫn là loại 16 vành truyền thống.

Các nan vành này cần kĩ thuật vót tròn trịa, mảnh nhưng vẫn chắc chắn.

2.4. Lợp lá (Xây lá)

Lợp lá

Khi xây và lợp lá, người ta phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp để nón có thể thanh và mỏng. Công đoạn này cũng cần sự khéo léo của người nghệ nhân, làm sao cho những chiếc lá nón xây lên phải thật đều, tạo nên sự đồng bộ, hài hòa của chiếc nón.

2.5. Chằm nón

Đây là công đoạn chính nhất của quá trình làm nón lá. Tay nghề của người thợ thường được đánh giá qua công đoạn chằm nón này. Người nghệ nhân tay nghề cao là người vừa phải chằm đều vừa phải nhanh. Mũi chỉ chằm phải sát để kẽ lá ôm khít lấy nhau.

Chằm lá

Khi nón chằm hoàn tất, người thợ đính cái “xoài” bằng chỉ màu rất đẹp vào chóp nón sau đó mới phủ dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để thành nón bóng láng và giữ được bền.

3. Làng nón Phú Cam – Nét truyền thống hiện hữu giữa phồn hoa

Nón lá Phú Cam

Làng nón lá Phú Cam được thành lập vào thế kỷ 17 khi các thợ làm nón từ các vùng lân cận đến vùng đất này để định cư và phát triển nghề. Sau nhiều biến động lịch sử, làng nghề nón lá Phú Cam đã trở thành một phần không thể thiếu của nét văn hóa cố đô Huế. Hiện nay, làng nón Phú Cam nằm ngay bên bờ nam sông An Cựu, thuộc phường Phước Vĩnh, trung tâm thành phố Huế.

Nghệ nhân làm nón lá Huế

Nón lá Phú Cam có bộ xương gồm 16 chiếc vành lớn nhỏ khác nhau, được đan xen tạo nên một chóp nón cao và đều đặn. Mỗi nan vành được uốn cong thành vòng thật tròn sau đó nối với hai đầu tre đan vào nhau nhờ những sợi chỉ cước khéo léo. Cuối cùng, những chiếc lá phải được chằm vào nón một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng, xếp chồng lên nhau ở độ dày vừa phải để vừa che được mưa nắng vừa tạo cảm giác trong veo.

Diệu Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *