Hà Giang – trải nghiệm Tết đậm bản sắc

Tết Âm lịch ở Hà Giang luôn mang một sức hút khó cưỡng, khiến lòng người không khỏi mơ màng về vùng cao nguyên đá cằn cỗi bỗng trở nên rực rỡ khi xuân về. Vào thời khắc này, Hà Giang khoác lên mình chiếc áo mới – chiếc áo mùa xuân được dệt từ sắc hồng thắm của hoa đào, sắc trắng tinh khôi của hoa mận và những gam màu dịu dàng của thiên nhiên núi rừng.

Mùa xuân không chỉ mang đến sức sống mới cho cỏ cây, mà còn tôn lên nét đẹp đặc trưng của Hà Giang – vùng đất mà mỗi bông hoa đều như kể một câu chuyện riêng. Những khung cảnh bình yên, trong trẻo nơi đây hòa quyện với âm thanh của gió rừng, tiếng chim hót, tạo nên một bản giao hưởng tự nhiên đầy mê hoặc. Bất cứ ai đến Hà Giang vào mùa xuân đều dễ dàng bị cuốn hút bởi sự lãng mạn và kỳ diệu của mảnh đất này.

Cánh đồng hoa ở Hà Giang

Nhắc đến Hà Giang, không thể không nhớ tới những mùa hoa tam giác mạch phủ khắp triền đồi, hay sắc vàng rực rỡ của hoa cải làm bừng sáng cả núi rừng. Đặc biệt, khi xuân về, Hà Giang trở thành bức tranh đầy sức sống với những rừng hoa đào, hoa mận, hoa lê đua nhau khoe sắc. Giữa không gian tĩnh lặng của miền sơn cước, những cánh hoa đào phai như viên ngọc hồng lung linh dưới màn sương mờ, đánh thức cả đất trời sau mùa đông lạnh lẽo.

Hoa đào Hà Giang mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã mà quyến rũ lạ kỳ. Những cây đào rừng cổ thụ, vươn mình trước cửa những ngôi nhà truyền thống hay thấp thoáng nơi đầu dốc, trở thành điểm nhấn đặc biệt của vùng đất này. Đào phai năm cánh, với sắc hồng dịu dàng, không quá rực rỡ nhưng đủ để sưởi ấm cả không gian rộng lớn chìm trong giá rét miền biên cương.

Các bé bên hoa đào

Điều làm hoa đào Hà Giang trở nên đặc biệt chính là sức sống mãnh liệt của nó. Những cành đào vươn lên từ cái lạnh buốt giá, nở hoa giữa bạt ngàn núi non, dù không được chăm sóc tỉ mỉ như đào vườn. Cành đào xù xì, mộc mạc nhưng lại ấp ủ linh khí của đất trời. Trên những cành cây ấy, nụ hoa mọc chi chít, qua thời gian hé nở, để lộ sắc hồng phai trang nhã. Mỗi bông hoa như một biểu tượng của sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp dung dị mà cao quý.

Hà Giang mùa xuân không chỉ là câu chuyện của sắc hoa, mà còn là câu chuyện của tình người, của những điều bình dị hòa quyện trong thiên nhiên. Đây chính là nơi lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ, để lại dấu ấn khó phai trong lòng mỗi du khách.

Cùng với hoa đào, hoa lê và hoa mận cũng bắt đầu nở rộ, biến Hà Giang trở thành một bức tranh sống động và thơ mộng. Những dãy núi nối tiếp nhau, cùng với những con đường uốn lượn quanh các thung lũng đầy sắc hoa, chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai ghé thăm vào những ngày đầu xuân phải lưu luyến và say đắm bởi vẻ đẹp tự nhiên mà nơi đây mang lại.

Không chỉ có mùa hoa, Hà Giang Tết âm lịch còn là thời điểm những lễ hội mùa xuân diễn ra sôi nổi, với vô vàn những hoạt động văn hóa đặc sắc. Hà Giang tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bao gồm: người Mong, người Dao, người Tày, người Pà Thẻn, người Lô Lô, người Phù Lá…

Lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số

Mỗi dân tộc thiểu số đều có một phong tục, nghi lễ đón Tết khác nhau, song tất cả đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tất cả mọi gia đình trong bản đều được ấm no, hạnh phúc. Đây là một nét văn hoá độc đáo mà đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn giá trị bao đời nay.

Người Lô Lô đón Tết

Đầu tiên phải kể đến lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông. Với dân số chiếm phần đa so với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh và được phân bố khắp các huyện như Đồng Văn, Mèo Vạc , Quản Bạ thì lễ hội Gầu tào của đồng bào dân tộc Mông càng thêm phần phong phú. Người Mông thường ăn Tết trước các dân tộc khác vào khoảng giữa tháng 12 âm lịch khi mùa vụ đã xong, lưỡi cày đã được cất đi, ngô đã đầy trên gác bếp. Tại đây đồng bào Mông từ các xã lân cận cùng nhau về dự hội với các hoạt động diễn xướng và trò chơi dân gian đậm bản sắc.

Hàng năm cứ đến độ Xuân về, không thể không nhắc đến lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, một nghi lễ mang đậm tính tâm linh, văn hóa cộng đồng với 2 phần lễ và hội được cả bản cùng tham gia và là một lễ hội độc đáo trên mảnh đất Hà Giang.

Lễ hội ở Hà Giang

Lễ hội Lồng tồng của người Tày thường được tổ chức vào tháng Giêng, khi mọi người trong bản làng đã ăn Tết vui vẻ và đầm ấm, để chuẩn bị bắt tay bước vào một vụ mùa mới, cả cộng đồng sẽ cùng nhau tổ chức một lễ hội mang nhiều biểu trưng của văn hóa lúa nước. Hai chữ Lồng tồng nguyên bản là xuống đồng, biểu đạt cho tinh thần lao động sau kỳ nghỉ lễ của bà con. Hội Lồng tồng của dân tộc Tày được chia làm hai phần lễ và hội với những nghi thức tâm linh và văn hóa truyền thống bản địa, đây cũng là một lễ hội mang tính mở, du khách thập phương có thể trải nghiệm và tham gia vào phần hội với các trò chơi như ném còn, đánh yến, kéo co và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc mang âm hưởng dân ca như hát Then, Cọi, Sli…

Chợ Tình

Đón Tết Nguyên đán ở Hà Giang trải nghiệm lễ hội độc đáo là cơ hội để khám phá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất này. Từ những nghi lễ tâm linh đến những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, mùa xuân ở Hà Giang luôn đem lại những trải nghiệm khó quên cho du khách.

Khánh An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *