Đến Huế, đừng quên “check in” phố làng hương

Làng nghề làm hương (nhang – PV) ở phường Thủy Xuân (TP.Huế) được hình thành từ thời nhà Nguyễn. Ban đầu phục vụ cho nhu cầu tâm linh, thờ cúng của Triều đình và nhân dân trong vùng. Nhiều năm trở lại đây, các hộ gia đình đã lập các cơ sở trình diễn nghề, trưng bày và quảng bá sản phẩm đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Dọc con đường Huyền Trân Công Chúa dẫn lên hai địa danh nổi tiếng của Huế là lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh, hàng loạt các cơ sở làm hương “khoe sắc” xanh, đỏ, tím, vàng… gây ấn tượng trong mắt khách du lịch. Tuyến phố này được mệnh danh là con đường hương hay phố làng hương. Từ những vị khách trẻ đến người lớn tuổi, khách nội địa hay quốc tế đều tranh thủ dừng chân “check in”.

Những bó tăm hương đầy màu sắc rất ấn tượng với du khách

Dừng chân ở cửa hàng Hoàng Hạnh đúng vào dịp đầu năm 2019, trời mưa rét nhưng cũng nhộn nhịp khách Tây tham quan, mua hàng. Chị chủ quán kể rằng: không chỉ có khách tham quan, tìm hiểu sản phẩm để mua mà nhiều vị khách còn muốn trải nghiệm cách se hương. Vừa nói, tay chị vừa liến thoắng thực hành cách se hương cho khách xem. Mùi của hương thơm dễ chịu, với đủ vị của quế chi, đinh hương, nụ tùng, hoa hồi, bạch đàn… và cũng có loại hương “đẳng cấp” có mùi của trầm rừng tự nhiên.

Ông Jordan, một du khách Pháp bày tỏ thích thú với các bước làm hương của người dân, nhất là công đoạn se hương. Trong khi đó, những vị khách khác thì tìm hiểu các sản phẩm để chọn mua loại có mùi hương phù hợp. Có khách mua để lưu niệm, nhưng cũng không ít khách mua để sử dụng dâng hương dâng hoa ở các điểm di tích, chùa chiền lân cận trong khu vực. Những cơ sở này không chỉ trưng bày và quảng bá các sản phẩm hương mà còn trình diễn nghề chằm nón và giới thiệu đến du khách sản phẩm nón lá nổi tiếng của xứ Huế. Con đường Huyền Trân Công Chúa hay thường được gọi là làng hương xứ Huế, nằm trên trục đường du lịch của địa phương, gắn với điểm tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, chùa Từ Hiếu… nên trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách.

Vào mùa hè, khi bước chân lên con đường này, du khách sẽ “choáng ngợp” với hàng hàng lớp lớp những bó tăm hương đủ màu sắc. Không chỉ chú trọng đến chất lượng nguyên liệu tạo nên mùi thơm của hương, người sản xuất cũng rất tinh tế để làm ra những tăm hương với những que tre nhỏ được vót nhọn và nhuộm thành nhiều màu xanh, đỏ, tím, vàng… rất bắt mắt. Những ngày nắng, hàng loạt cơ sở sản xuất sẽ phơi tăm hương dọc cả tuyến phố, và cũng là thời điểm lý tưởng mà nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ “check-in”.

Theo người dân ở đây, nghề làm hương ở Thủy Xuân đã tồn tại hàng trăm năm dưới thời Triều Nguyễn. Đây là nơi cung cấp hương cho Triều đình, các phủ quan lại và nhân dân trong vùng sử dụng. Sau này, dù chế độ quân chủ không còn nữa, nhiều hộ dân ở Thủy Xuân vẫn duy trì nghề truyền thống để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân khắp tỉnh. Hiện, nhiều cơ sở đã sản xuất đóng đi tỉnh thành khác; có cơ sở cũng làm sản phẩm cao cấp để phục vụ dòng khách cao cấp ở các khu du lịch tâm linh về thiền. Cơ sở Hoàng Hạnh, ngoài làm hương bình dân để bỏ cho các cơ sở kinh doanh ở chợ lớn trên địa bàn như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự…thì còn sản xuất hương trầm theo “đặt hàng”. Giá của hương trầm này chênh lệch rất lớn so với loại hương được sử dụng trong thờ cúng thường ngày, bởi trầm ở đây là trầm rừng tự nhiên với giá đã hơn 10 triệu đồng/kg nguyên liệu thô. Chỉ tính giá tiền thì mỗi cây đã bán ra 8.000-10.000 đồng, gần bằng với một bó hương loại thường. Nhưng bù lại, mặt hàng này rất được các doanh nghiệp lớn ưa chuộng, và sử dụng nó như một loại thảo dược để giúp du khách giảm stress, thoải mái tinh thần…

Khách quốc tế tìm hiểu về cách làm hương ở Thủy Xuân

“Thực tế là cơ sở trưng bày của chúng tôi phục vụ điểm dừng chân, tham quan tìm hiểu và trải nghiệm cho khách du lịch, chứ sức mua của khách đến đây không lớn. Những sản phẩm chúng tôi làm ra ở đây phần lớn đều nhập đi các nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã xây dựng cơ sở trưng bày dọc đường Huyền Trân Công Chúa, vừa là nơi sản xuất và cũng để quảng bá cho làng nghề truyền thống lâu đời của mình”- chủ cơ sở làm hương Hoàng Hạnh cho biết.

Theo bà Phạm Quỳnh Giao, Trưởng phòng VHTT TP. Huế thì hiện nay làng hương Thủy Xuân còn hơn 40 cơ sở sản xuất, trong đó có các cơ sở lớn đã làm nên thương hiệu như Công ty TNHH Kỳ Nam Anh và cơ sở nhang trầm Đức Thành. Nhiều năm qua, làng nghề hương Thủy Xuân đã tham gia các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế và đã quảng bá hình ảnh, điểm đến về du lịch đến bạn bè trong nước và quốc tế. “Ngoài ra, vào các dịp lễ hội ở địa phương, ngành kinh tế và ngành văn hóa vẫn luôn tạo điều kiện để hỗ trợ các cơ sở sản xuất hương ở Thủy Xuân tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề của mình. Qua đó, không chỉ góp phần kết nối để tiêu thụ sản phẩm nghề mà còn đưa hình ảnh du lịch về làng nghề làm hương Thủy Xuân đến với khách du lịch” – bà Giao nói.

Bài và ảnh: An Nhiên

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *