Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Museum of Ethnology) là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác nhằm giới thiệu, phổ biến và giáo dục về các giá trị lịch sử, văn hoá của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc cho các ngành; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được xây dựng từ năm 1981 với diện tích ban đầu là 3,27ha. Sau nhiều lần tu sửa, diện tích bảo tàng được nâng lên với tổng diện tích là 4,4ha. Đây là điểm đến nổi bật với nét kiến trúc độc đáo, sự hòa quyện tuyệt vời giữa phong cách cổ điển và hiện đại.
Bảo tàng được chia thành 3 khu vực trưng bày chính gồm: Tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á.

Tòa nhà Trống Đồng là nét đẹp đặc trưng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mà bất cứ du khách nào khi ghé thăm cũng không thể bỏ qua. Tòa nhà được chia thành 2 không gian trưng bày theo từng chủ đề, luôn được làm mới theo từng giai đoạn.
Nơi đây lưu trữ hơn 15.000 hiện vật, 42.000 thước phim và hình ảnh miêu tả văn hóa cùng đời sống sinh hoạt của người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc. Bên cạnh đó, du khách còn được chiêm ngưỡng trang phục, y phục, nông cụ và tôn giáo tín ngưỡng cũng như những phong tục, tục lệ của các dân tộc.

Tất cả như được tái hiện lại cuộc sống thu nhỏ, bình dị cùng các nét văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc xưa kia và nay. Đặc biệt, các hiện vật đều có phần mô tả bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và một số thứ tiếng khác để du khách từ khắp mọi nơi có thể dễ dàng thăm quan và tìm hiểu.
Khu trưng bày ngoài trời tọa lạc tại một khu vườn thoáng mát, xanh ngát bóng cây. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo và đặc trưng của các dân tộc. Điển hình phải nhắc tới như nhà sàn của người Tày, nhà sàn của người Ê Đê, cối giã gạo bằng sức nước của người Dao, nhà trệt lợp ván Pơmu của người Mông…

Du khách sẽ được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc dân gian trong không gian xanh của các bóng cây, các lối đi bên con suối uốn khúc, róc rách chảy suốt 4 mùa, có cầu nối đôi bờ. Bên cạnh đó, không gian trưng bày ngoài trời còn là điểm dã ngoại lý tưởng cho các gia đình có con nhỏ trong những ngày cuối tuần. Khu trưng bày ngoài trời không chỉ có không gian xanh mà còn sở hữu những mẫu nhà đặc trưng của mỗi dân tộc. Đây thực sự là tài liệu sinh động và thực tiễn cho việc học tập, nghiên cứu của các em nhỏ về phong tục, tập quán của các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Tiếp theo, du khách có thể tham quan khu trưng bày Đông Nam Á ở trong bảo tàng. Nhìn từ xa, du khách sẽ nhận thấy khu trưng bày được xây dựng theo hình cánh diều – một nét văn hóa truyền thống không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực ASEAN. Cánh diều tượng trưng cho ước mơ, hoài bão, cho sự tự do còn mãi với thời gian.
Ở đây thường xuyên trưng bày về văn hóa Đông Nam Á, tranh kính Indonesia, một thoáng Châu Á và vòng quanh thế giới. Ngoài ra, tại bảo tàng còn có các hoạt động giáo dục, hội trường, phòng chiếu phim, phòng đa phương tiện, du khách có thể xem tư liệu văn hóa không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước ASEAN. Đây chính là cầu nối, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và bạn bè khu vực Đông Nam Á cũng như nhiều nơi trên thế giới.
Đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, du khách không chỉ được thăm quan, tìm hiểu mà còn được tham gia và tận hưởng những hoạt động thú vị tại đây.
Khánh Linh
Tin cùng chuyên mục:
Trò Xuân Phả: Vũ điệu sân đình ẩn mình trong dòng lịch sử
“Ca Trù – Khi tiếng phách gõ nhịp thăng trầm Văn hóa Việt”
Kiến trúc Quảng trường Ba Đình lịch sử
Phở Hà Nội – tinh hoa ẩm thực đất Hà Thành