Xuân Đỉnh: Làng nghề bánh trung thu 200 năm tuổi

Trải qua gần hai thế kỷ với biết bao biến động, hương vị của những chiếc bánh trung thu truyền thống ở Xuân Đỉnh vẫn giữ nguyên như trong ký ức của nhiều người. Hương vị đặc trưng ấy luôn gợi nhớ da diết, khiến mỗi dịp Trung Thu ai cũng náo nức tìm mua để mâm cỗ trông trăng thêm phần trọn vẹn.

Xuân Đỉnh: Làng nghề truyền thống bánh trung thu 

Theo những người cao niên trong làng, không ai biết được nghề làm bánh trung thu ở đây có từ bao giờ, chỉ biết thức quà không thể thiếu trong mâm cỗ trông trăng là sản phẩm truyền thống của thôn Đông xưa, với lịch sử phát triển trên 100 năm.

“Bánh trung thu truyền thống của làng Xuân Đỉnh có 2 nhân cổ truyền chủ đạo là thập cẩm và đậu xanh. Sau này đời sống người dân dư dả hơn thì có thêm nhân xá xíu với gà quay và dăm bông. Cách gói bánh ngày xưa cũng không giống bây giờ, ngày trước bánh đến tay người mua khi mới ra lò, vẫn còn nóng hổi và 5 cái được gói trong một tờ báo rồi lấy dây đai buộc lại”, cụ bà Nguyễn Thị Chúc, một người sống lâu năm trong làng cho biết.

Giữ vững lửa nghề trước sóng gió thời cuộc

Gia tộc họ Đỗ đến nay đã trải qua 4 đời làm bánh, mứt, kẹo. Khởi nghề là cụ tổ Đỗ Năng Diễn (cụ Lý Diễn), từ năm 1902 có tiệm bánh mứt tại Hàng Đường và Hàng Vải có tên là Xuân Lan (nay lấy tên hiệu Đỗ Thế Gia).

Cụ Lý Diễn sau này truyền lại nghề cho con thứ là cụ Đỗ Tôn Cù. Cụ Cù (tên thường gọi là cụ Hai Đậu) đã đi học thêm về nghề làm bánh mứt ở nhiều nơi từ Nam ra Bắc và từng được giao giao nhiệm vụ làm bánh đón tiếp phái đoàn lãnh đạo cấp cao từ Ấn Độ. Cụ Cù cũnglà người đầu tiên sáng tạo ra nhiều bí quyết, công thức sản xuất bánh, mứt cho các thế hệ sau. Cụ Cù truyền nghề cho con trai là cụ Đỗ Năng Tý và người sáng lập nên thương hiệu Đỗ Thế Gia là ông Đỗ Mạnh Thế con cả trong gia đình.

Thời kỳ bao cấp, người trong làng có tay nghề nhưng chỉ đi làm thuê cho các xí nghiệp bánh kẹo ở Hà Nội. Sau đổi mới, mọi người bắt đầu tự sản xuất và phát triển mạnh thành làng nghề vào năm 1990.

Từ nhỏ, ông Đỗ Mạnh Thế đã làm quen với nghề làm bánh kẹo của gia đình. Để phụ bố mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống, năm học lớp 8, Mạnh đã làm thuê cho cửa hàng ăn uống của nhà nước ở Thụy Khuê. Đây cũng chính là khoảng thời gian khiến Mạnh nung nấu ước mơ mở xưởng bánh sau này.

Bánh Trung thu Đỗ Thế Gia

Khi đó, ông chủ Thế chỉ sản xuất nhỏ các loại bánh như bánh nướng Cắt, bánh Khảo, bánh Đậu Xanh, bánh Cốm… Ngày rằm thì sản xuất bánh Trung Thu, ngày Tết sản xuất mứt Tết dân tộc.

Ngay từ khi mới chập chững vào nghề, Đỗ Mạnh Thế luôn tâm niệm một điều mà cha của mình là ông Đỗ Năng Tý dạy bảo: “Người làm nghề phải chân thật, không dối trá. Sản xuất ra mỗi chiếc bánh phải có cái tâm đặt trong đó, để người ăn được thưởng thức và nhớ mãi hương vị bánh cổ truyền của dân tộc. Đừng vì cái lợi nhỏ mà đánh mất đi giá trị cổ truyền, mình không phụ khách hàng thì nghề cũng không phụ mình.”

Ông Thế nói rằng tất cả các loại hoa quả đều có thể làm được mứt nhưng mỗi loại lại có những cách chế biến kì công khác nhau. Để tạo ra một loại mứt thơm ngon đúng vị, ông phải tỉ mỉ lựa chọn nguyên liệu đến lúc làm, sao cho mứt vừa tới tầm ngon nhất.

Diệu Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *