Tranh Đông Hồ có tuổi đời lên đến 400 năm lịch sử, là dấu ấn khắc lại một góc những hình ảnh dân gian Việt Nam. Tranh Đông Hồ còn là hình ảnh phản chiếu lại đời sống tinh thần, nét đẹp văn hóa Bắc Bộ.
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh”
Làng tranh Đông Hồ ở đâu hay làng tranh Đông Hồ thuộc tỉnh nào là câu hỏi được nhiều du khách quan tâm khi tìm hiểu về địa điểm du lịch nổi tiếng này. Làng tranh dân gian này nằm bên bờ sông Đuống, thuộc địa phận xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 16km.
Ghé thăm nơi đây, khách du lịch sẽ được các nghệ nhân giới thiệu về lịch sử làng tranh Đông Hồ. Bắt đầu từ thế kỷ 17 ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đến nay, nghề làm tranh tại đây đã có tuổi đời hơn 400 năm.
Theo ghi chép của lịch sử, khoảng năm 1945, làng Đông Hồ có 17 dòng họ, tất cả các dòng họ này đều làm tranh. Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện làng Đông Hồ còn 2 gia đình theo nghề làm tranh là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam.
Những nguyên liệu dân gian đặc biệt
Tranh làng Hồ thể hiện những đề tài quen thuộc, gắn liền với hình ảnh làng quê, cuộc sống Bắc Bộ bình dị hằng ngày. Để cho tranh có độ bền cao, người làng Hồ áp dụng, sử dụng những chất liệu từ thiên nhiên để tạo nên màu sắc. Màu chàm từ lá chàm, màu đỏ từ vỏ cây van, đen từ tro lá tre hoặc tro voan,…
Những thước tranh được in trên giấy Dó – loại giấy gia công thủ công từ cây Dó rừng, mặt nền giấy được quét một lớp nhựa thông hoặc lớp hồ pha từ ít bột vỏ sò điệp để tạo nên màu lấp lánh. Vì thế, giấy Dó còn được gọi là giấy Điệp.
Để làm nên những bức tranh sinh động, người thợ cần có ván in. Ván khắc in tranh gồm 2 loại: ván in màu và ván in nét. Ván in nét thường được làm từ gỗ thừng mực hoặc gỗ thị. Dụng cụ khắc ván in là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve được làm từ thép cứng. Ván in màu làm từ gỗ mỡ vì có khả năng giữ màu cao hơn.
Những bức tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất của con người, xã hội theo quan điểm mỹ học dân gian của người dân nơi đây. Đó là những bức tranh khắc hoạ ước mơ ngàn đời của người lao động về cuộc sống gia đình thuận hoà, ấm no, hạnh phúc, về một xã hội công bằng, tốt đẹp.
Diệu Linh
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam