Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký và những di sản để lại

Trong ký ức của nhiều người, câu chuyện Tôi đi học và hình ảnh cậu bé quặp viên gạch non trong hai ngón chân tập viết trên sân được đưa vào những trang sách giáo khoa đã quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Cậu bé ấy chính là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký.

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký

Ngay từ thuở nhỏ, số phận đã không mỉm cười với Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký như cách ông luôn nở nụ cười với mọi người. Năm lên 4 tuổi, trong một đêm cuối đông, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký bị ốm nặng khi ẩn nấp dưới hầm tránh bom. Sau những ngày sốt mê man, li bì, cậu tỉnh lại nhưng hai cánh tay không còn cử động được nữa và không khác nào “hai cục thịt nằng nặng, lủng lẳng đeo vào hai bên mình”. Hết ốm, nhưng hai cánh tay đã bại liệt, cậu bé Ký vô cùng buồn tủi vì không còn được vui chơi như bình thường. Năm 7 tuổi, khi các lớp bình dân học vụ được mở khắp các làng xóm, các bạn đồng trang lứa với cậu được đến lớp học chữ, chẳng còn ai chơi với mình. Nhiều lần cậu nôn nao, khó chịu đến rơi nước mắt khi ngồi trong nhà nghe thấy các bạn bên ngoài ríu rít rủ nhau đến lớp. Cuối cùng, cậu mạnh dạn tự mình tìm đến lớp học, núp bên ngoài tấm liếp của cửa lớp  nghe cô giáo giảng bài, lén nhìn các bạn học và đánh vần theo. Một lần đang đứng xem, vì mải mê nghe giảng quá mà cậu bước hẳn vào lớp học lúc nào không hay. Mãi khi cô giáo bước tới sát bên, ân cần hỏi thăm, cậu mới giật mình sực tỉnh và òa lên khóc. Khi biết cậu có ý định vào học, cô nâng đôi tay của cậu lên, đôi mắt đầy những yêu thương. Về nhà, khi nghe chúng bạn mách lại chuyện ở lớp học, bố khuyên cậu nên ở nhà với lý do “tay con như thế thì học làm sao được!”. Cậu dỗi hờn, nằng nặc lắc đầu không chịu. Nhưng thật may, ngay sáng hôm sau, ước mơ của cậu đã trở thành sự thật. Cô giáo Cương – người giáo viên đứng lớp đã đến nhà, xin bố cho cậu được đi học. Từ hôm ấy, hằng ngày cậu vui vẻ tới trường như bao bạn bè. Chỉ có điều, cậu đi học mà không bao giờ viết bài, chỉ nghe thôi.

Cả hai tay đều không thể sử dụng được là một bất lợi rất lớn của bản thân, nhưng cậu bé Nguyễn Ngọc Ký đã quyết không buông xuôi, biến điều không thể thành có thể. Cậu không chấp nhận đầu hàng số phận hoặc dựa dẫm vào người khác mà bằng nghị lực của mình cậu đã cố gắng luyện tập, từ chối sự giúp đỡ của mọi người để có thể tự mình làm được mọi việc bằng chính đôi chân. Cậu bé Ký bắt đầu luyện tập viết bằng chân, để thực hiện ước mơ đến trường và hoà nhập cùng bạn bè đồng trang lứa. Khi nhìn những vân vẽ bằng mỏ của chú chim gáy trên lá, cậu đã nghĩ ngay đến việc dùng miệng để viết. Thua keo này, cậu lại bày keo khác. Khi nhìn thấy gà bới đất tìm mồi, cậu chợt lóe lên ý nghĩ viết chữ bằng chân. Thời gian đầu tập viết đối với Nguyễn Ngọc Ký như một cực hình, cậu cặm cụi viết đi, viết lại cho kỳ được mới thôi. Sau 2 năm tập luyện, cậu bé Ký mới dần quen với việc viết bằng bàn chân. Năm 9 tuổi, cậu bắt đầu học lớp 1 (theo chương trình Giáo dục hệ 10 năm ở miền Bắc trước đây). Hành trình đó được thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký khắc họa trong hồi ký “Tôi đi học”.

Tôi đi học" - Tác phẩm để đời của thầy Nguyễn Ngọc Ký | Báo Dân trí

Lên cấp 2, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký ước mơ học giỏi môn Toán. Môn Toán không đơn thuần chỉ là số học mà còn thêm bộ môn hình học với những hình vẽ và đường ngang dọc đòi hỏi tính xác thực. Viết chữ đã khó, sử dụng đồ dùng học Toán còn khó hơn nhiều, dường như càng trong hoàn cảnh khó khăn càng giúp cậu thêm bền chí. Cậu vẫn tập viết, tập vẽ không ngừng. Bàn chân của cậu đã trở thành cánh tay không chỉ giúp cậu cầm bút mà cầm kéo, cầm dao làm thủ công, làm lồng chim… Chính nhờ sự nỗ lực ấy, Nguyễn Ngọc Ký học rất giỏi. Năm lớp 7, cậu tham dự kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn quốc và đứng thứ 5, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu vì đạt thành tích vượt khó học giỏi. Trong suốt quãng thời gian từ cấp I đến cấp III, cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký luôn được công nhận là học sinh giỏi, đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Tốt nghiệp cấp III, theo lời bạn bè động viên, cậu chọn học ngành Ngữ văn. Trong suốt 4 năm học Đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng song cậu sinh viên ấy vẫn nỗ lực miệt mài đèn sách.

Thầy giáo viết chữ bằng chân Nguyễn Ngọc Ký qua đời
Thầy Nguyễn Ngọc Ký

Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp khoa Ngữ văn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, quyết tâm trở về quê hương Hải Hậu làm giáo viên theo lời khuyên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bên cạnh công việc của một nhà giáo, Thầy Nguyễn Ngọc Ký còn là một cây bút viết văn đặc biệt được Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng kết nạp làm hội viên. Sau này, cuộc đời và quá trình luyện viết của thầy đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa vào những trang Sách giáo khoa cấp Tiểu học, môn Tiếng Việt.

Suốt cả cuộc đời, Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò kể cả khi không may bị bệnh suy thận, thầy vẫn giàu nghị lực, vừa chống chọi với bệnh tật vừa tích cực tham gia các buổi giao lưu để truyền lửa cho học sinh, đồng thời sáng tác nhiều tác phẩm có tính giáo dục cao. Thầy giáo Ký đã ra mắt nhiều tác phẩm để lại tiếng vang như hồi ký: “Tôi đi học”, “Tôi học đại học”, “Tôi đi dạy học”, “Tâm huyết trao đời”. Thầy Ký cũng đã sáng tác 1.500 câu thơ đố, bài thơ đố in thành 16 tập. Cùng với đó là xuất bản sách chuyên đề Giáo dục với những vấn đề tâm huyết cho nền giáo dục nước nhà… Có thể nói Thầy đã dùng chính đôi chân để viết nên số phận cuộc đời mình, một cuộc đời đáng sống, đáng được trân trọng và tri ân. Thầy còn là tấm gương cho thanh thiếu niên noi theo và đối với các thế hệ ngành giáo dục, Thầy là một minh chứng rõ rệt cho dù bất cứ xã hội thịnh hay suy, ở đâu hay hoàn cảnh nào thì vai trò quan trọng của người thầy giáo vẫn không bao giờ thay đổi.

Tôi đi học" - Tác phẩm để đời của thầy Nguyễn Ngọc Ký | Báo Dân trí
Tác phẩm của thầy Nguyễn Ngọc Ký

Sau 35 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký được nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, đồng thời là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 58 tuổi, Thầy Ký còn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã nỗ lực không chỉ tìm cho mình một ánh lửa của niềm tin để tồn tại, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người khác vươn lên trong cuộc sống. Ngoài tuổi 60, Thầy trở thành nhà tư vấn tâm lý gỡ rối và là nhà diễn thuyết giao lưu truyền cảm hứng, tiếp lửa cho thế hệ trẻ ở các trường học, các trung tâm văn hóa thanh thiếu niên.

Diệu Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *