Bát Tràng được biết đến là làng nghề có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, đặc biệt những năm gần đây, Bát Tràng còn được biết đến là làng nghề – du lịch phát triển nhất của Hà Nội. Nói đến làng nghề truyền thống lâu đời ở Việt Nam, không thể bỏ qua cái tên làng gốm sứ Bát Tràng, bởi nơi đây không chỉ lưu giữ nét văn hóa của Hà Nội, mà còn là nguồn cung cấp đồ gốm sứ lớn nhất Việt Nam.
Làng gốm sứ Bát Tràng nằm ở ven sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội, là nơi chuyên sản xuất những loại gốm sứ đa dạng cả về chủng loại lẫn kiểu dáng được người tiêu dùng trong nước và các thị trường lớn trên thế giới ưa chuộng. Các sản phẩm được làm dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng gốm sứ Bát Tràng, thể hiện được vẻ đẹp tinh xảo trên từng chi tiết, đường nét. Điều đặc biệt là cốt đặc trưng của gốm được phối tạo nên từ cát và phù sa của dòng sông Hồng. Làng gốm sứ Bát Tràng bên cạnh việc được biết đến là làng nghề truyền thống lâu đời thì còn có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, 2 di tích cách mạng kháng chiến, 23 ngôi nhà cổ và 16 nhà thờ họ – là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa.
Năm 2019, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Tràng là Điểm du lịch của Thủ đô, Bộ VHTTDL công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: “Sau khi được công nhận là điểm du lịch, lượng khách trong nước và quốc tế đến với Bát Tràng tăng gấp đôi vào những tháng cuối năm 2019.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nên, lượng khách mua sắm, tham quan làng nghề tăng trở lại. Trung bình mỗi ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần, Bát Tràng đón từ 3.000 đến 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm, trải nghiệm”.
Không chỉ tăng sức hấp dẫn trong hoạt động thuyết minh, Bát Tràng còn vận động người dân tham gia xây dựng nhiều công trình, sản phẩm du lịch nhằm đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách và tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Trong năm 2019 – 2020, một con đường gốm sứ trên tuyến đường đê sông Hồng qua xã đã được xây dựng với sự tham gia của các nghệ nhân, thợ giỏi làng Giang Cao.
Cùng với đó, người dân cũng chung tay vẽ bích họa, xây dựng những “đoạn đường hoa nở” và thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm tạo cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. Bát Tràng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển “du lịch thông minh” thời gian qua. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: “Hai năm qua, xã đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản, phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh (SmartTour Apps); lắp đặt wifi miễn phí…”.
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng: Thay đổi, tạo sức hấp dẫn bằng câu chuyện văn hóa
Mặc dù dịch Covid-19 xảy ra khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, có những thời điểm bùng phát, giãn cách xã hội, mọi thứ không hoạt động, thế nhưng chỉ sau khi sinh hoạt được quay trở lại, làng nghề gốm sứ Bát Tràng đã có những thay đổi, tạo thêm những sản phẩm mới, kết nối với nhiều điểm đến khác để tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách. Bằng chứng, năm 2021, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt mà nhiều người quen gọi là “Bảo tàng gốm Bát Tràng” nằm ở thôn 5, xã Bát Tràng được đưa vào khai thác sử dụng và trở thành điểm thu hút du khách bởi kiến trúc đặc trưng, mô phỏng hình dáng đất nặn trên bàn xoay.
Bên trong “Bảo tàng gốm Bát Tràng” là các gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm gốm Bát Tràng tinh xảo. Ngoài ra, nơi đây còn dự kiến tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách. Năm 2022, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) ra mắt tour đạp xe “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”. Tour bắt đầu được khởi hành từ khu vực Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, trải nghiệm quãng đường khoảng 15km đến Làng cổ Bát Tràng theo lộ trình qua các con phố cổ Hà Nội như Hàng Ngang – Hàng Đào – chợ Đồng Xuân… Sau đó, du khách đạp xe qua cầu Long Biên – đê Long Biên để đến Bát Tràng. Trên hành trình trải nghiệm, du khách sẽ được đi men theo con đường làng, khám phá bãi giữa sông Hồng với những vườn chuối, vườn ổi, cảm nhận không khí mát lành từ sông Hồng.
Đến Bát Tràng, du khách sẽ gặp những điều bất ngờ như khám phá làng cổ Bát Tràng có tuổi đời hơn 700 năm. Tại đây, du khách được trải nghiệm con đường làng nhỏ xinh, có khi chỉ vừa 1-2 người đi. Bởi làng nghề truyền thông lâu đời này hiện nay còn có nhiều ngôi nhà, bức tường cổ kính, minh chứng là nếp sinh hoạt xưa của người Bát Tràng. Một điểm đến thú vị nữa đó là tham quan lò bầu cổ duy nhất còn sót lại của Bát Tràng. Lò cổ này gồm có 5 bầu, có tuổi đời gần 100 năm. Trước kia, lò bầu này được dùng để nung gốm theo cách thức thủ công. Tuy nhiên, ngày nay, người Bát Tràng đã sử dụng kỹ thuật nung hiện đại để tránh gây ô nhiễm môi trường, lò bầu cổ được giữ lại để khách tham quan. Du khách có thể chui được vào bên trong các lò bầu này, xem không gian sắp đặt các bình nung được mô phỏng như cách sắp xếp lò nung trước kia. Ngoài ra, du khách còn được thấy lớp gạch phía bên trong lò được phủ một lớp tráng men đẹp mắt sau 100 năm nung gốm.
Có thể thấy, làng gốm sứ Bát Tràng với nét văn hóa độc đáo và nhiều hoạt động trải nghiệm mới đang dần thu hút du khách trở lại và là trở thành một trong những làng nghề truyền thống lâu đời phát triển du lịch một cách bài bản và chuyên nghiệp.
Diệu Linh
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam