Hầu đồng – nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt

Hầu đồng, còn được gọi là hầu bóng hay đồng bóng, là một nghi thức trong tín ngưỡng dân gian và tôn giáo thờ Mẫu – một dòng Shaman giáo đặc trưng của nhiều dân tộc, bao gồm cả người Việt Nam.
Thực chất, hầu đồng là một nghi thức giao tiếp với các vị thần linh thông qua trung gian là các đồng nam, đồng nữ. Khi thần linh nhập vào người hầu đồng, họ sẽ thực hiện các nghi thức như múa hát, chầu văn và truyền đạt thông điệp từ thần linh.
Hiện tại, không có một định nghĩa cụ thể nào cho hầu đồng, mà đây chỉ là khái niệm để miêu tả trạng thái tâm linh khi các vị thần linh “nhập” vào cơ thể của ông/bà đồng, và qua đó thể hiện lời nói, hành động, cũng như ý muốn của thần linh thông qua người hầu đồng.
Ngày nay, hầu đồng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân, đặc biệt là từ sau dịp Tết Nguyên đán đến hết tháng 3-4 Âm lịch. Nghi thức hầu đồng thường diễn ra tại các nhà đền – nơi thờ các vị thánh thần và được coi là đền thiêng. Hầu đồng phổ biến đến mức vào dịp Giêng Hai, các ngôi đền thiêng từ miền Trung đến miền Bắc đều tấp nập những khóa hầu đồng.
Nhờ sự gắn bó sâu sắc với đời sống tâm linh của người dân và tính độc đáo của các nghi thức trong hầu đồng, vào ngày 1/12/2016, UNESCO đã chính thức công nhận “Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Ethiopia.
Thờ Mẫu Tam phủ
Theo nhiều tài liệu, tín ngưỡng thờ Mẫu hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người trong bối cảnh sống gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên. Qua hàng trăm năm, thờ Mẫu đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Câu nói “Tháng Tám giỗ cha, Tháng Ba giỗ mẹ” cho thấy tín ngưỡng thờ Mẫu có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng này chứa đựng nhiều giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc, phản ánh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trong đó, hình ảnh người mẹ được tôn vinh ở vị trí trung tâm. Ngoài ra, tín ngưỡng thờ Mẫu còn là sự kết hợp của nhiều nét đẹp văn hóa dân gian như âm nhạc, ngôn ngữ, trang phục, đặc biệt là nghi lễ hát chầu văn và hầu đồng – một hình thức biểu diễn sân khấu huyền ảo, đậm chất linh thiêng.
Khánh An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *