Giấy Dó vùng Bưởi – Dấu xưa còn lại

Kẻ Bưởi xưa (nay thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội) nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Trước đây, bên cạnh nghề dệt Lĩnh, người dân địa phương còn nổi tiếng với nghề làm giấy Dó.

Làng Yên Thái chuyên sản xuất giấy viết và in, làng Hồ Khẩu và Đông Xã chuyên sản xuất giấy có khổ lớn hơn để dùng in tranh dân gian. Tuy nhiên, trong các sản phẩm của nghề làm giấy ở Kẻ Bưởi, giấy Dó làng Yên Thái là nổi tiếng hơn cả.

1. Các loại giấy Dó xưa kia ở Kẻ Bưởi

Thời trung đại, Việt Nam có một số làng nghề làm giấy, như: làng Xuân Ổ (làng Ó) ở Bắc Ninh; làng Mai Chử (làng Mơ) ở Thanh Hóa làm giấy Bản. Làng Lộc Tụy và Đại Phú ở Quảng Bình sản xuất giấy từ vỏ cây niết; giấy Bìa bổi được sản xuất từ làng Từ Vân – Thanh Oai – Hà Tây… Tuy vậy, giấy Dó vùng Kẻ Bưởi của Thăng Long được người tiêu dùng đương thời ưa chuộng nhất.

Chợ giấy trên đất Kinh kỳ xưa kia luôn nhộn nhịp vào những dịp cận Tết với giấy Dó. Người dân vùng Bưởi đã sáng tạo ra nhiều loại giấy với đặc tính, đặc trưng và các chức năng khác nhau, mà loại tốt nhất là giấy Dó lụa, giấy Quỳ, giấy Lệnh và giấy Sắc. Trong sách “Dư địa chí” (1435), Nguyễn Trãi cũng đã đề cập rất rõ về vấn đề này: “Đương thời, phường Yên Thái (Bưởi) chuyên làm giấy. Thợ ở đây có thể làm được giấy Thị, giấy Lệnh; còn làng Nghĩa Đô chuyên làm giấy Sắc màu, ngà vàng vẽ rồng và mây gọi là giấy Long án”.

Nghề làm giấy Dó xưa ở làng Bưởi.

Các bậc cao niên ở vùng Bưởi cho biết, giấy Quỳ sản xuất từ vỏ cây Cãnh dai. Trước đây, loại giấy này thuộc độc quyền sản xuất của dòng họ Nguyễn Thế. Dòng họ này sinh sống tập trung ở ở thôn An Đông thuộc phường Yên Thái. Người làng Kiêu Kị tại huyện Đông Anh (Hà Nội) bên kia sông Hồng thường chọn mua giấy Quỳ để dát “vàng bạc” lên đó. Đối tượng khách hàng mua thành phẩm của thợ thủ công Kiêu Kị là các nghệ nhân chạm khắc câu đối, hoành phi, phù điêu, tượng Phật và các đồ thờ tự. Giấy Kiêu Kị ánh vàng – ánh bạc sẽ làm nên những sắc màu lung linh, lộng lẫy, khiến cho những sản phẩm này trở nên thiêng liêng, cao quý.

Ngoài ra, còn có loại giấy Lệnh và giấy Sắc. Giấy Lệnh chỉ sử dụng trong công việc hành chính của Triều đình phong kiến (để viết các lệnh chỉ của Vua). Loại này dày hơn giấy Dó lụa và do tính năng sử dụng nên và nó được làm kĩ hơn.

Giấy Sắc được dân gian đánh giá là tốt và quý nhất trong các loại giấy Dó. Loại giấy này khổ to, với nhiều cỡ to nhỏ khác nhau và rộng nhất là khổ giấy 2m x 0,75m; cỡ nhỏ nhất là 1,3m x 0,52m. Giấy Sắc của người thợ vùng Bưởi dày và rất dai. Vì đặc tính này, người dùng không lo nếu như ai đó cố tình xé văn bản của họ. Đồng thời, giấy Sắc còn không bị thấm nước, không bị mối mọt xâm hại nên nó có thể lưu giữ trong vài trăm năm.

Với đặc tính dai, bền và không thấm nước, nên giấy Sắc được dành riêng cho Vua dùng để viết sắc chỉ, chuyên dùng để phong tước, phong công cho những triều thần có công với nước và các bậc thần linh có công được tôn Thánh. Có lẽ vì điều này, giấy Sắc khác với các loại giấy khác khi trên bề mặt có in nổi (nhẹ nhàng) hình Rồng phun mây và Rồng – Phượng. Sử dụng giấy mang hình nào cho việc viết sắc phong là tùy theo thứ cấp khi phong Công, phong Thần. Giấy Sắc được chúa Trịnh cho dòng học Lại độc quyền sản xuất với số lượng nhất định. Việc sản xuất giấy Sắc rất cầu kì. Người thợ đặt những tờ giấy trên mặt tảng đá để “nghè” – tức là dùng vồ gỗ nện khẽ, nhẹ, đều tay lên mặt tờ giấy, làm cho giấy thêm nhẵn, đanh (Có lẽ thế, giấy của làng được gọi là giấy Nghè và làng Nghĩa Đô được gọi tên là làng Nghè). Sau khi vẽ trang trí hoa văn (hình Rồng Phượng chìm), người thợ giấy phết một lớp hoàng liên lên giấy tạo nên màu vàng. Cuối cùng họ phủ một lớp keo lên trên với mục đích làm giấy đanh thêm và đồng thời chống ẩm và mối mọt.

Người dân làng Bưởi nay đã không còn làm giấy Dó. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Giấy Dó lụa mỏng, mềm như tấm lụa Hà Đông. Người đương thời còn gọi loại này là giấy Bản. Giấy Dó lụa chuyên dùng để in sách, chép thơ, chép kinh. Thời trung đại, các thầy khóa và Nho sinh Việt thường dùng bút lông, mực tàu viết chữ Nho lên giấy mà không lo bị nhòe mực. Các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian trước kia thường sử dụng giấy Dó khổ lớn để vẽ tranh, cho chữ, viết thư pháp. Có thể nói, những tác phẩm văn hóa mang đậm tính nghệ thuật này vừa đẹp, bền; vừa tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà.

Ngoài ra, thợ giấy Kẻ Bưởi cũng sản xuất loại giấy thô ráp dùng cho việc gói hàng, như: giấy Moi, giấy Phèn. Các loại giấy này được sản xuất bởi những nguyên liệu xấu hơn, là thành phần “đầu mặt” của vỏ Dó đã bị loại bỏ. Dân làng Kẻ Cót (tên chữ là làng “Thượng Yên Quyết”, nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), cũng thường mua những phế liệu này về làm thứ giấy Xề thô và xấu.

2. Giá trị sử dụng của giấy Dó

Giấy Dó truyền thống ở Kẻ Bưởi được Henri Oger mô tả trong cuốn “Kỹ thuật của người An Nam” là loại giấy xốp nhẹ mà bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt. Loại giấy này không bị dòn gẫy, ẩm nát mà mỏng, mềm như tấm lụa Hà Đông. Người dùng có thể vò nát tờ giấy, nhưng khi vuốt ra, lại phẳng như bình thường. Với chất lượng tốt, giấy Dó đã tạo được thương hiệu riêng cho mình. Tài liệu nghiên cứu của F. Claverie cho biết, năm 1903, bất cứ ai cũng có thể mua được hàng nghìn tờ giấy Dó loại tốt nhất (màu trắng) với 2$50 đến 3$ (đồng bạc); 2$ cho loại hai (vàng nhạt) và 1$50 để mua loại ba (màu xám dùng làm bao bì) 1.

Đến đầu thế kỷ XX, nhờ có kỹ thuật bóc kép nhiều lớp và kỹ thuật cán giấy hiện đại, giấy Dó vốn chỉ được bóc đơn, nay đã được chồng nhiều lớp, tạo nên những độ dày khác nhau. Những thớ sợi của vỏ cây Cãnh vốn đã rất dẻo dai, nay được liên kết nhiều lớp ngang, dọc, chéo, được cán chặt với nhau. Nhờ việc cán lại cho đanh chắc, tờ giấy Dó nếu bị xé cũng không thể rách. Hơn nữa, sản phẩm của người Kẻ Bưởi còn được tráng bề mặt bằng nhựa cây gỗ Mò đã tạo thành một thứ giấy bền bỉ độc nhất vô nhị. Nghiên cứu về giấy Dó của người Việt trước đây, một học giả Nhật Bản đã nhận định rằng, giấy Dó truyền thống làng Yên Thái không chỉ là “một loại giấy độc nhất vô nhị ở Việt Nam mà còn xứng đáng có được một tầm vóc lớn trong lịch sử ngành sản xuất giấy của thế giới”.

Theo các nhà nghiên cứu, giấy Dó lụa để trong điều kiện bình thường, không cần bảo quản cũng rất bền. Một số tài liệu cho rằng giấy Dó có độ tuổi thọ tới 500 năm. Có thể vì điều này, người xưa đã dùng giấy Dó để in kinh sách, viết chữ, in tranh dân gian và đặc biệt hơn cả khi các triều đại phong kiến Việt Nam dùng nó cho việc viết sắc phong. Đến nay, nhiều đình, chùa và làng xã vẫn còn lưu giữ được những sắc phong này. Các cụ cao niên ở Yên Thái cho biết, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng in trên giấy Dó được sản xuất ở vùng Bưởi, bìa là giấy Dó được bóc kép 6 lần và những tờ giấy ruột bên trong văn bản này cũng được bóc kép 3 lần. Được biết đến nay, các trang giấy trong Di chúc vẫn còn nguyên vẹn, không bị nấm mốc, hư hại bởi thời gian.

Giấy Dó vùng Bưởi là một mặt hàng đắt khách của các tiểu thương phố Hàng Giấy xưa kia. Sản phẩm này đã làm hài lòng nhiều văn nhân, nghệ nhân các nơi, để đến hôm nay, hậu thế được chiêm ngưỡng những nét bút của tài hoa của các danh nhân đã được lưu lại trong các văn bản. Những tác phẩm hội họa dân gian, nhiều bức tranh quý có giá trị, ra đời vào những năm 40 của thế kỉ XX đến nay vẫn còn lưu giữ được. Vất vả là thế, nhưng hình ảnh các cô gái làm giấy Dó vẫn hiện lên rất duyên dáng trong những câu thơ của các văn nhân xưa kia:

Người ta bán vạn buôn ngàn
Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi
Dám xin ai đó chớ cười
Vì em làm giấy cho người viết thơ.

Giấy Dó vùng Kẻ Bưởi đã đáp ứng cho nhiều nhu cầu khác nhau trong xã hội Việt xưa, đặc biệt đối với việc in ấn kinh sách để lưu truyền, tiêu biểu là những bộ kinh thư Phật giáo. Sự phát triển của nghề làm giấy đã góp phần thúc đẩy nghề in mộc bản. Nguồn tài liệu cổ sử cho biết, nhà sư Tín Học thời Lý đã cho làm nhiều ván khắc dùng cho việc in kinh Phật ở các chùa. Do sự phát triển của nghề làm giấy và nghề in, năm 1734, Chúa Trịnh Giang đã cho in Tứ Thư Ngũ Kinh và không mua tài liệu này do người Trung Quốc in nữa.

Sự phát triển về sản lượng và chất lượng của giấy Dó vùng Bưởi cùng các địa phương khác đã đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội nước ta đương thời. Giấy làm ra vừa đẹp lại bền. Vì lẽ này, Vua Lý Cao Tông (1176-1210) đã chọn giấy Dó là một trong những cống vật của Đại Việt đương thời cho Triều đình nhà Tống. Trong dân gian xưa có câu:

Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô

Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ .

Nghề làm giấy Dó ở vùng Bưởi đã đi vào ca dao xưa như một niềm tự hào, một nét tinh hoa. Ngày nay, công nghệ hiện đại được áp dụng trong quá trình sản xuất giấy, nên nghề làm giấy Dó không còn duy trì như trước. Mặc dù vậy, giữa ồn ào phố thị, nét duyên của Kẻ Bưởi xưa kia vẫn được người dân nơi đây âm thầm lưu giữ.

Bùi Thị Ánh Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *