Nhà tù Hoả Lò có khu trại nữ tù nhân với diện tích 270 m2, bao gồm: 4 xà lim biệt giam, phòng giam phụ nữ có con nhỏ, phòng giam tập thể, khu nhà tắm và sân trại. Có thời kỳ, thực dân Pháp giam tới 300 tù nhân.
Mỗi xà lim biệt giam có diện tích khoảng 8m2, thường xuyên giam từ 6 đến 8 tù nhân, cá biệt có thời kì giam tới 12 người. Không có sạp để nằm, các nữ tù phải nằm trên sàn xi măng lạnh lẽo.
Phòng giam chật hẹp, lại đông người, vì vậy tù nhân phải thay phiên nhau ra đứng gần cửa sổ để có không khí hít thở. Những chị em trẻ, có sức khỏe thường nhường chỗ thông thoáng cho những người nhiều tuổi, có sức khỏe yếu, còn mình thì nằm ở nơi kín gió, thiếu không khí, thậm chí ngay sát thùng vệ sinh.
Tường phòng giam thực dân Pháp cho sơn hai màu đen và xám khiến cho người tù cảm thấy nóng bức hơn về mùa hè và lạnh buốt hơn vào mùa đông. Trong thời gian bị giam giữ, nữ tù nhân thường bị thực dân Pháp phạt ăn nhạt, không được vệ sinh, tắm rửa trong nhiều ngày. Chính bởi lẽ đó, chị em đã mắc nhiều căn bệnh như: phù nề, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa…
Di sản để lại của những nữ tù chính trị
Năm 1953, Giám ngục Nhà tù Hỏa Lò cho thành lập ban thêu, mục đích thu nhận tù nhân khéo may vá, thêu đan quần, áo. Các sản phẩm sau đó được bán, lấy tiền cho Giám ngục.
Ban thêu gồm 15 người trong đó có bà Trần Thị Tuệ. Trong hồi ký của mình, bà kể lại: “Nhiệm vụ của tôi là thêu các loại khăn, túi, các họa tiết trên trang phục. Các vật liệu như kim, chỉ thêu do anh Tường là trưởng ban thêu cung cấp. Anh Tường nói với chúng tôi phải nộp đủ sản phẩm cho Giám ngục, nhưng hàng ngày mỗi người tính toán bớt đi một ít sợi để thêu khăn tay, khăn quàng cổ gửi ra ngoài, bán lấy tiền mua thuốc, mua quà cho người ốm yếu hoặc những chị em không có gia đình tiếp tế. Ngoài ra, tôi cóp nhặt từng ít vải và chỉ để thêu túi tặng mẹ. Vào mỗi buổi tối, khi trở về phòng giam, nhờ ánh đèn đỏ hắt vào phòng, tôi đã khâu những mảnh vải vụn thành áo gối và túi. Khi em trai vào thăm, tôi đã gửi về tặng mẹ kính yêu”.
Áo gối và túi thêu được mẹ của bà Trần Thị Tuệ cất giữ nhiều năm. Trước khi mất, mẹ của bà giao lại những kỷ vật trên cho con gái. Năm 1997, hai kỷ vật này đã được tặng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò làm hiện vật trưng bày.
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam