Tiếp nối thành công của “Đêm thiêng liêng 1”, chương trình “Đêm thiêng liêng 2- Sống như những đóa hoa” là lời tri ân đối với công lao, đóng góp, sự hy sinh to lớn của các nữ chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò (giai đoạn 1930 – 1954).
Xúc động và cảm phục trước những câu chuyện
Bước qua không gian trại giam tập thể tù nam, khu biệt giam, cây bàng trăm tuổi, cửa cống ngầm, du khách sẽ đến tham quan khu trại tù nữ. Tại đây, khách tham quan sẽ được chứng kiến sự đày ải, lao khổ của các nữ tù nhân: phòng giam có một sàn gỗ lim đóng vít vào nẹp sắt sát tường làm chỗ nằm. Góc phòng đặt một thùng sắt, nắp gỗ dùng làm chỗ đi vệ sinh. Khi vào trại, các nữ tù phải đến chỗ đầm gác thay bỏ hết quần áo, bị khám xét kĩ càng. Mỗi người được phát hai bộ quần áo, một chăn chiên, một chiếu, không có quần áo ấm và màn. Không gian chật hẹp, ngột ngạt sau cánh cửa phòng giam không làm nhụt đi tinh thần của các nữ chiến sĩ cách mạng. Trái lại, nó còn hun đúc tinh thần cách mạng, sự kiên cường chiến đấu của các nữ tù nhân.
Một trong những câu chuyện về sự hi sinh cao cả là câu chuyện của bà Hoàng Thị Ái, sau này là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và là vợ của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1931, bà sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Thanh Vân. Lúc này đang diễn ra cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, không thể giữ con bên mình nên hai vợ chồng đành gửi con cho một gia đình cơ sở ở Hà Tĩnh nuôi. Tháng 5/1931, bà bị bắt giam tại nhà lao Vinh. Cùng thời điểm này, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cũng bị kẻ địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò, rồi đưa về Nghệ An thủ tiêu. Đầu năm 1937, sau khi được ra tù, bà trở về Hà Tĩnh tìm con. Mọi hy vọng đều biến tan khi bà hay tin con gái Thanh Vân đã chết vì khát sữa. Biến đau thương thành sức mạnh, bà lại lao vào hoạt động cách mạng. Cả cuộc đời bà Hoàng Thị Ái là sự sắt son một niềm tin với Đảng, là sự chờ đợi, ngóng trông.
Truyền thống kiên cường, bất khuất, thủy chung được các nữ chiến sí cách mạng tiếp nối và tô đậm ở nhà ngục Hỏa Lò. Các đồng chí liệt sĩ Hoàng Ngân (vị hôn thê của đồng chí Hoàng Văn Thụ), đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái (phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)… đã để lại những câu chuyện xúc động.
Tạo sự đột phá trong hoạt động du lịch trải nghiệm
Điểm đặc biệt của chương trình là du khách sẽ được tham quan nhà tù Hỏa Lò vào buổi đêm. Vẫn là những hiện vật trưng bày như vậy, được kết hợp với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, người xem như được tận mắt thấy không gian khổ cực lao tù.
Ban tổ chức xây dựng thêm nhiều hoạt cảnh, tăng thời gian và bố trí thêm không gian trải nghiệm: chui cống ngầm, cảm nhận không khí ngột ngạt bên trong xà lim, thưởng thức thạch bàng, trà bàng lá nếp, bánh lá bàng… Nội dung thuyết minh được hỗ trợ bằng các thước phim tư liệu, kết hợp với âm thanh, ánh sáng trong không gian thiêng liêng của Di tích Hỏa Lò về đêm khiến khách tham quan được dẫn dắt vào các trải nghiệm xúc động và hấp dẫn.
Theo ông Đặng Văn Biểu, Phó trưởng ban quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò “Từ những câu chuyện và các nhân vật lịch sử, bằng hình thức sân khấu hóa, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp đến khán giả: hãy trân trọng nền hòa bình, độc lập cha ông ta phải đổ máu để có được. Từ đó phấn đấu sống và cống hiến những điều tốt đẹp cho thế hệ mai sau”
Kết thúc hành trình trải nghiệm là lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại đài tưởng niệm và bài học sâu sắc về người mẹ sẽ để lại trong lòng du khách những cảm xúc lắng đọng
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam