Đại Tướng Võ Nguyên Giáp: Cuộc đời và nhiệm vụ đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám

Trọn cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2011) luôn tỏa sáng với phẩm chất của một vị tướng xuất sắc, tận tâm phục vụ Tổ quốc và Nhân dân. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng rực rỡ của “vị tướng của nhân dân” Võ Nguyên Giáp đã được tôn vinh và ghi danh trong cuốn “Danh nhân Văn hóa thế giới”, mãi mãi ghi dấu trong lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cuộc đời và sự nghiệp 

Sinh ra trong một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột, từ đó nảy sinh ý chí và quyết tâm mạnh mẽ đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Năm 1925, khi còn là học sinh, nhờ sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh, bãi khóa tại trường Quốc học Huế; gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng (năm 1927); tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và giam cầm tại nhà lao Thừa Phủ, Huế (năm 1930). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ Pháp, ông được trả tự do. Sau khi ra tù, do mất liên lạc với tổ chức, ông chuyển ra Hà Nội giảng dạy tại Trường tư thục Thăng Long, đồng thời viết báo tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, và tiếp tục theo học Đại học Luật và Kinh tế.

Ảnh chân dung Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp, với bí danh Dương Hoài Nam, cùng đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo và dìu dắt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, thu hút đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.

Tháng 12/1944, đồng chí được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó, đồng chí đã chỉ huy đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt và Nà Ngần. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, đồng chí đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ; dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vai trò Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) và giành thắng lợi. Được phong hàm Đại tướng vào tháng 5/1948, với vai trò Tổng Tư lệnh chiến dịch và Bí thư Đảng ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Biên Giới (9 – 10/1950), Trung Du (12/1950), Đồng Bằng (5/1951), Hòa Bình (12/1951 – 2/1952), Tây Bắc (10 – 12/1952), Thượng Lào (4 – 5/1953). Đặc biệt, năm 1954, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao cho ông quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công, đánh bại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, khiến thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ, đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương và giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta.

Sự nghiệp và nhiệm vụ đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám

Tại lán Nà Lưa giữa rừng Tân Trào (Tuyên Quang), trong một đêm tháng 7/1945, tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã xin phép được nghỉ lại với lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người mệt nặng. Tỉnh lại sau cơn sốt, Bác dặn ông câu nói đã đi vào lịch sử “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

“Vâng lệnh cụ Hồ, ông Võ Nguyên Giáp đã biến mệnh lệnh ấy thành hành động mang tầm chiến lược. Thứ nhất, với tư tưởng người trước súng sau, khơi thêm nước cho cá vẫy vùng. Một mặt xây dựng mở rộng khu giải phóng, củng cố khu giải phóng. Thứ hai, ông là người đề xuất mở trường quân chính kháng Nhật để đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự đầu tiên, sau trở thành những cán bộ nòng cốt trong cuộc tổng khởi nghĩa”, PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết.

Tháng 8/1945, chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, các nước thắng trận đang vẽ lại bản đồ thế giới. Theo đó, tại Việt Nam, nam vĩ tuyến 16 được trao cho quân đội Anh, phía bắc vĩ tuyến 16 sẽ do quân đội Tưởng phụ trách.

Tại Tân Trào, lúc này, Hội nghị toàn quốc của Đảng dự kiến họp chậm lại vì còn phải đợi một số đại biểu ở xa. Nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhìn thấy thời cơ thuận lợi hiếm hoi và ngắn ngủi. Không hành động ngay, cách mạng sẽ khó khăn khi cùng lúc phải đối phó với nhiều lực lượng quân sự nước ngoài tràn vào Việt Nam.

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ

GS.TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Người được cụ Hồ giao nhiệm vụ đó cũng là Võ Nguyên Giáp. Người được cụ Hồ giao nhiệm vụ lãnh đạo bộ đội Việt Mỹ đi tấn công trại quân Nhật ở Thái Nguyên giống như biểu tượng của hoạt động vũ trang chống phát xít của Mặt trận Việt Minh chống phát xít cũng là Võ Nguyên Giáp. Xây dựng lực lượng bộ đội Việt Mỹ huấn luyện quân sự nhưng cái quan trọng nhất bộ đội Việt Mỹ như một minh chứng cho sự công nhận quốc tế của Đồng minh đối với lực lượng của Mặt trận Việt Minh”.

Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa bế mạc thì hôm sau Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào. Trước giờ bế mạc, các đại biểu đã tiễn bộ đội xuất quân. Ngày 16/8/1945, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ông Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1. Đại hội bế mạc cũng là lúc cuộc Tổng khởi nghĩa đang diễn ra dồn dập và liên tiếp giành thắng lợi ở nhiều địa phương. Năm ấy, người chỉ huy Võ Nguyên Giáp 34 tuổi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *