Đến Hà Nội, chả cá Lã Vọng một trong những món ngon không thể bỏ qua. Chả cá Lã vọng cũng là một trong số đặc sắc ẩm thực Hà Thành được nhiều báo chí và các trang ẩm thực trên thế giới đưa tin.
Nguồn gốc của đặc sắc ẩm thực Hà Thành
Chả cá Lã Vọng là tên của món chả cá ngon đặc sản Hà Nội, có nguồn gốc từ thời kháng Pháp. Thời ấy, có gia đình họ Đoàn sinh sống tại số 40 Hàng Sơn, Hà Nội. Gia đình này thường lấy nhà của mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám và thường hay làm món chả cá để đãi khách, vì đây là món ăn ngon nên những vị khách ấy đã kín đáo phụ giúp gia đình họ Đoàn mở một quán bún chả cá, vừa là nguồn thu nhập cho gia đình cũng như là nơi tụ họp bí mật. Lâu dần với sự nổi tiếng của món ăn đặc sắc này, hai từ “Chả Cá” đã thành tên gọi chung cả khu phố và trở nên món ăn đặc sản Hà Nội. Những hàng chả cá luôn bày tượng ông Lã Vọng (chính là Khương Tử Nha với sự tích ngồi câu cá mà dùng lưỡi câu thẳng, rèn chí kiên nhẫn chờ thời), vì thế cái tên Chả cá Lã Vọng cũng bắt nguồn từ đây.
Nguyên liệu chính tạo nên Chả cá Lã Vọng
Cá làm chả thường là cá lăng tươi. Đây là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm. Thịt cá được lọc theo kiểu lạng từ hai bên sườn, thái mỏng, ướp với nước cốt riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, mắm tôm theo một phương cách bí truyền đặc biệt ít nhất 2 giờ đồng hồ, rồi kẹp vào vỉ nướng chả có quét một lớp mỡ cho đỡ dính. Người nướng phải quạt lửa, lật giở đều tay sao cho hai mặt đều chín vàng như nhau.
Chuẩn bị ăn, người ta mới mang những kẹp chả đã nướng trút vào chảo mỡ – đây là bí kíp gia truyền của loại chả cá này – trên bếp than hoa đặt giữa bàn ăn. Khi các miếng chả sôi trong mỡ lăn tăn, vàng thơm, rau thìa là và hành hoa cắt khúc được gia vào chảo đảo lẫn và nhanh chóng chia ra các bát ăn. Thường không dùng dầu ăn để rán cá vì nhiệt độ thấp hơn và cá kém thơm ngon hơn.
Thưởng thức chả cá chuẩn Hà Nội
Chả phải ăn nóng. Khi ăn, gắp từng miếng cá ra bát, rưới nước mỡ đang sôi lên trên, ăn kèm bún, bánh đa nướng, lạc rang, thìa là, hành hoa, dọc hành chẻ nhỏ ngâm dấm, rau mùi, húng Láng và mắm tôm. Mắm tôm phải được pha chế bằng cách vắt chanh tươi, một ít nước mỡ, đường, rượu trắng và ớt, đánh sủi bọt lên rồi thêm chút tinh dầu cà cuống. Một số khách nước ngoài không ăn được mắm tôm thì thay bằng nước mắm, nhưng nước mắm ít nhiều khiến món chả cá bị giảm hương vị.
Có hai cách ăn phổ biến:
Cho cá đã nướng vào chảo mỡ, bỏ hành và rau thìa là vào. Khi rau chín tái thì gắp ra ăn với bún, rau thơm, đậu phộng rang và mắm tôm đã pha chế theo cách cho một ít bún vào bát, cho rau và một vài miếng chả cá lên trên, rắc ít lạc rang, rưới chút mắm tôm rồi trộn ăn. Khi ăn mùi mắm tôm quyện với vị ngọt của cá, mùi rau và vị bùi của lạc rang. Do có nhiều mỡ nên khi ăn phải kèm theo cuống hành tươi chẻ nhỏ ngâm qua dấm pha loãng.
Cho chả cá, hành và rau vào bát, rưới nước mỡ đang sôi và dùng ngay, có thể ăn kèm với bánh đa nướng. Cách ăn này làm vừa đủ ăn nếu không cá sẽ nguội, mất ngon.\
Ngoài hai cách trên, một số người có thể cho cả bún vào chảo và đảo nhanh với cá, thìa là, hành hoa sau đó trút ra bát ăn. Ăn cách này rất nóng ngon nhưng hơi nhiều mỡ.
Diệu Linh
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam