Cuối năm 2020, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, lần đầu tiên đưa một di tích khảo cổ học để trưng bày chuyên đề, phục vụ công chúng rộng rãi, nhằm diễn giải một phát hiện quan trọng, mang tính hàn lâm, học thuật với những ý kiến khác nhau trong giới nghiên cứu về cơ tầng và nội hàm văn hóa của một địa điểm quan trọng thời sơ sử ở phía Bắc miền Trung Việt Nam, đó là Bãi Cọi, thuộc thôn 9, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Với một ngôn ngữ đại chúng, khúc triết, được sự hỗ trợ từ hệ thống ánh sáng bắt mắt, qua một phòng trưng bày mang đậm dấu ấn khảo cổ học, chuyên đề “Bãi Cọi – Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” đã thực sự thu hút sự quan tâm của khách tham quan, giới truyền thông, tạo nên sự tương tác hấp dẫn, đặc biệt với học sinh, sinh viên và giới trẻ, có nhu cầu tìm tòi, khám phá.
Câu chuyện về cơ tầng và nội hàm văn hóa Bãi Cọi phần nào đã được hé lộ qua phòng trưng bày và sẽ được tiếp tục đối thoại với các nhà nghiên cứu gần đây. Thế nhưng, cũng từ phòng trưng bày ấy, một vài hiện tượng, dường như ẩn chứa tiếng nói của người âm, mà qua bài viết ngắn này, tôi xin nêu ra đôi ba dẫn dụ, như một sự diễn giải, để Bãi Cọi sát gần với công chúng hơn.
Cuộc đối thoại đầu tiên, đó là hầu hết những ngôi mộ đều có hiện vật chôn theo. Các nhà khảo cổ học và dân tộc học nói với chúng ta rằng, hiện tượng trên, không chỉ là lời tâm sự của một mình cư dân Bãi Cọi, mà ở hầu hết các di tích khảo cổ thời tiền – sơ sử và lịch sử, kéo dài cho tới tận gần đây, trong nhiều cộng đồng trên thế giới. Người xưa bảo, đó là tục chia của cho người chết, bởi người sống luôn nghĩ rằng, người chết mất đi thể xác, nhưng linh hồn họ sẽ sang một thế giới khác, sống ở một không gian khác, cũng phải có đồ dùng mang theo để sử dụng. Những vật dụng ấy, khi thì bị thu nhỏ, mà nay, khảo cổ học gọi đó là “minh khí”. Nhiều ngôi mộ khác, vật dụng được chia ra, một phần dành cho người đang sống, một phần dành cho người chết. Nguyên tắc phân chia ấy được người Việt nhiều đời sau tổng kết: “của đồng chia ba, của nhà chia đôi”. Chia đôi với người đang sống, chia ba với người đã chết, theo đó, hai phần sẽ ở lại với dương gian, một phần sẽ được người chết mang sang thế giới mới – thế giới âm phủ. Sau này, khi quan niệm và điều kiện sống của con người có sự đổi thay, việc chia cho người chết không bằng vật chất, mà thay vào đó là những đồ vàng mã, trong đó có cả ô tô, máy bay, ti vi, tủ lạnh, bàn ghế, giường tủ… được đốt theo. Đó là tục hóa vàng mã. Tục này không chỉ được thực hành trong tang lễ, trong chôn cất, mà diễn ra qua ngày giỗ, ngày rằm, ngày xá tội vong nhân… với cơ man những đồ bằng giấy cầu kỳ, phút chốc hóa thành tro bụi, tốn phí quá nhiều tiền bạc của người đang sống đầy gian truân vất vả, mà lẽ ra, việc làm ấy chỉ là tượng trưng, mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện sự tưởng nhớ của người đang sống với những người quá cố, do phận số hoặc tuổi cao đã xa rời người thân.
Đồ tùy táng ở Bãi Cọi
Ở Bãi Cọi, và không chỉ ở Bãi Cọi, trong hầu hết các ngôi mộ thời sơ sử, những đồ tùy táng “dùng” cho người chết quá phong phú. Chúng không chỉ có đồ gốm thông thường, mà có cả vật dụng đủ loại, đồ chì-thiếc, đồ trang sức bằng đá quý và thủy tinh. Số lượng và chất lượng đồ tùy táng phản ánh thân phận của người quá cố. Giàu sang và đẳng cấp cao sang, được chia nhiều của, chất liệu quý như đồng và đá ngọc. Nghèo và đẳng cấp thấp hèn, chỉ có gốm và đồ minh khí, thậm chí, không có của nả chôn theo. Ở Bãi Cọi, không có chủ nhân giàu có như Việt Khê (Hải Phòng), với hàng trăm dụng cụ bằng đồng siêu cấp, chôn trong một quan tài hình thuyền to lớn chưa từng thấy xưa nay ở Việt Nam, nhưng qua những điều mắt thấy tai nghe, những ngôi mộ ở Bãi Cọi đã phản ánh một xã hội phân chia giai cấp khá rõ ràng.
Chia của cho người chết, ở Việt Nam, còn tồn tại khá phổ biến và đậm đặc ở người Mường, người Thái, người Mạ cư trú ở những vùng núi Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh – Nghệ, Sơn La, Điện Biên và Lâm Đồng, mà qua những ngôi mộ của họ, có niên đại thế kỷ XI-XII đến thế kỷ XVI-XVII, thấy ngay sự cao sang, quyền quý của các tù trưởng địa phương với quá nhiều đồ tùy táng độc lạ, có xuất xứ từ trong nước và nước ngoài. Dường như, hiện tượng ấy chỉ nhạt nhòa và phôi pha sau cải cách hành chính của Vua Minh Mạng, cơ bản đã xóa bỏ quyền lực của các Lang Cun, Lang Đạo và các tù trưởng miền núi xa xôi. Quyền và thế không cho phép họ đủ giàu có, để có thể chia của nhiều như trước đối với người chết. Tuy nhiên, tục ấy vẫn còn tồn tại ở các dân tộc thiểu số nói chung và người Việt (Kinh) nói riêng tại Việt Nam đến trước Cách mạng Tháng 8-1945, đặc biệt trong những đối tượng giàu sang, quyền quý.
Đồ tùy táng ở Bãi Cọi
Cuộc đối thoại thứ hai ở Bãi Cọi, đó là người âm ở đây nói với chúng ta rằng, đồ tùy táng của họ bị đập vỡ một cách cố ý, trước khi chúng là tài sản mang theo người quá cố. Những nhà nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học luận giải, đây là tín ngưỡng có nguồn gốc xa xưa, liên quan tới việc sùng bái tự nhiên, với quan niệm, mọi vật trong vũ trụ đều có linh hồn, đều có đời sống riêng, Chúng chẳng khác mọi sinh linh, mà con người là đỉnh cao hội tụ. Chính điều này đã đưa đến những phong tục, tập quán của nhiều cộng đồng cư dân, trong đó có cộng đồng người Bãi Cọi. Bằng cách làm thương tổn, tổn hại, hoặc “làm đau” một vật, người ta có thể giết chúng, và như thế, đã giải thoát linh hồn cho chúng, trước khi xa lìa sang thế giới bên kia.
Tập tục ấy, lẽ đương nhiên, không chỉ cất lên qua tiếng nói của người Bãi Cọi, mà nó có ở hầu hết các di chỉ khảo cổ học thời Đông Sơn, kéo dài tới tận thời phong kiến, được nhận biết qua những đồ tùy táng trong những ngôi mộ cổ ở vùng Mường Hòa Bình và Hà Tây (cũ), đã từng được khai quật, nghiên cứu nhiều chục năm, có niên đại thời Lý- Trần đến Lê sơ. Những đồ gốm sứ thông thường, mang giá trị gia dụng bị đập vỡ. Những vật dụng mang ý nghĩa bài trí, có tính mỹ thuật cao, được khéo léo cắt tỉa sắc lẹm ở chân đế hoặc những điểm khuất lấp, như là sự tiếc nuối vẻ đẹp vốn có, từng tồn tại trong ký ức gia đình nhiều thế hệ, hoặc là sự mong muốn, ở thế giới bên kia, người thân vẫn còn đồ dùng tương đối vẹn nguyên, phục vụ “đời sống” hằng ngày.
Mộ song táng ở Bãi Cọi
Những đồ tùy táng trong những ngôi mộ Mường có niên đại sau thế kỷ XV, dường như hiện tượng làm “đau” ít gặp. Phải chăng, tập tục truyền thống ấy đã bị nhạt phai, khi người Mường đã có sự giao tiếp với những dân tộc sống liền kề, vốn không có, hoặc không còn bảo lưu được quan niệm vạn vật hữu linh.
Cắt lìa linh hồn ra khỏi vật thể, bằng cách làm nêu trên, như đã nói, không phải là biệt lệ ở Bãi Cọi, không chỉ phổ biến ở người thời Đông Sơn. Khảo sát trực tiếp từ các nhà nghiên cứu, họ đã nhận ra, những “hóa thạch” của tục này ở một số dân tộc thuộc miền múi Đông Dương và lác đác, ở tận trời Tây xa xôi. O.Janse, một nhà khảo cổ học Thụy Điển có nhiều năm hoạt động nghiên cứu ở Việt Nam vào những thập niên giữa của thế kỷ XX cho hay, một di chỉ ở Bắc Âu, có niên đại 250 năm đến 350 năm sau Công nguyên, cũng phát hiện được một số đồ vật đã bị làm cho hư hại, trước khi chôn xuống đất để làm vật tế thần. Những bộ lạc ở Miến Điện thường chôn hoặc đặt trên mộ những người vừa chết một số đồ vật đã bị đập vỡ hoặc làm cho hư hại, và khi được hỏi, họ trả lời một cách dứt khoát là: Nếu đồ vật không được làm vỡ, làm hư hỏng thì làm sao người chết có thể sử dụng chúng trong đời sống của họ ở bên kia thế giới? Đó là những ghi nhận về hiện tượng và sự giải thích của cư dân bản địa, được khúc xạ qua thời gian và nhận thức, nhưng từ trong thẳm sâu ý nghĩa của hiện tượng ấy, chính là sự cắt lìa giữa thế giới người sống với thế giới người chết để “linh hồn” không trở về quấy nhiễu người sống.
Cuộc đối thoại thứ ba, cất lên từ một ngôi mộ song táng ở Bãi Cọi. Ở đây, các nhà khảo cổ học phát hiện thấy 22 mộ huyệt đất, trong đó 21 mộ đơn táng, duy nhất có 1 mộ song táng. Mộ song táng được kè gốm ở huyệt, chôn cùng một trục, nằm sát cạnh nhau, trên cùng một mặt bằng tương đối. Căn cứ vào đồ tùy táng, người phụ trách khai quật giả thiết rằng, chủ nhân của ngôi mộ song táng này là một nam, một nữ. Đó có thể là người thân trong gia đình có quan hệ chồng – vợ, có cùng một ngày an táng? Không ít trường hợp, việc thực hành an táng diễn ra sau, trước nhiều thời gian, do đó, để có chung một hướng, trên cùng một mặt bằng, công việc đánh dấu phải được thực hiện, để tránh sự cắt xé trong quá trình đào huyệt.
Song táng là hiện tượng phổ biến trong các di tích thời sơ sử. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở Giồng Cá Vồ (thành phố Hồ Chí Minh) và Vườn Chuối (Hà Nội) cùng nhiều nơi khác, phản ánh một tập tục mai táng như trên khá phổ biến, có từ rất sớm ở nước ta. Song đến những thế kỷ đầu Công nguyên, song táng còn thấy ở những ngôi mộ gạch cuốn vòm ở Mạo Khê (Quảng Ninh), và gần đây nhất là Gia Lâm, huyện Nho Quan (Ninh Bình), với một sự mật tập đông đúc, tạo thành những khu mộ địa rộng lớn, gợi nhắc về những trung tâm quần cư sầm uất đương thời. Đến thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII-XVIII, trong một ngôi mộ hợp chất ở Tứ Kỳ (Hải Dương), đội thủy lợi ngẫu nhiên tìm ra một quách hợp chất, bên trong có hai quan tài bằng gỗ ngọc am, mai táng hai người, một đàn ông và một đàn bà, chắc hẳn là đôi vợ chồng giàu có, với quách quan được chuẩn bị vô cùng chắc chắn, công phu để thi thể được bảo tồn lâu dài, với đồ tùy táng xa xỉ, qua những bộ gấm vóc nhập khẩu đắt giá, hiện còn trên thi thể.
Đôi vợ chồng này, theo các nhà khảo cổ học đến tận hiện trường khảo sát, chắc chắn phải được an táng song cùng, bởi quách hợp chất làm chung cho cả hai, đặc biệt, nó được đổ bằng vỏ sò, ốc, nung thành vôi trộn mật mía, rắn chắc hơn cả bê tông, kín gần như tuyệt đối, để tránh nước ngầm và côn trùng xâm nhập, hủy hoại thi hài. Chính hộp quách kín, quan tài đóng bằng gỗ thơm, dưới đáy có lót chè, xác được ướp bằng hương liệu, theo đó, tất cả những ngôi mộ hợp chất, nếu như không bị xâm hại, thi thể dù được chôn dưới lòng đất vài trăm năm, vẫn còn nguyên da thịt, râu tóc, áo, quần. Mộ hợp chất song táng không thể có hai lần chôn cất.
Phải chăng, đôi vợ chồng này chết cùng một thời gian, an táng cùng một ngày? Lịch sử thành văn cho hay, vào thời Lê Trung Hưng, với kỹ thuật ướp xác khá hoàn hảo, cho phép thi thể quàn trong nhà kéo dài ba, bốn năm vẫn không hề ảnh hưởng. Người đi trước, kẻ đi sau đều được quàn để chờ ngày lành an táng. Như vậy, song táng trong mộ hợp chất thời Lê Trung Hưng hoàn toàn khác với Bãi Cọi và những di tích thời sơ sử. Ở Việt Nam, chôn cất song táng còn lưu giữ đến gần đây, nhưng với cách làm và nghi thức không khác gì đơn táng.
Đến Bãi Cọi, nghe người âm – kẻ dương đối thoại, còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện, nhưng khi thì rõ ràng, mồn một, khi thì phảng phất, thì thầm. Hiểu và giải nghĩa được những lời đối thoại ấy, còn khó khăn hơn cả lên trời. Cũng còn có nhiều câu chuyện khác, có thể nói được thêm, nhưng dung lượng bài viết không cho phép. Xin gợi ra đôi ba ý, mong muốn tiếp thêm cho người đọc những điều, để nghĩ suy thêm, về một địa điểm khảo cổ học nổi tiếng, đầy hấp dẫn và lôi cuốn: Bãi Cọi./.
Từ phòng trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi – Nơi gặp gỡ các nền văn hóa”, một vài hiện tượng, dường như ẩn chứa tiếng nói của người âm. Cuộc đối thoại đầu tiên, đó là hầu hết những ngôi mộ đều có hiện vật chôn theo. Cuộc đối thoại thứ hai ở Bãi Cọi, đó là người âm ở đây nói với chúng ta rằng, đồ tùy táng của họ bị đập vỡ một cách cố ý, trước khi chúng là tài sản mang theo người quá cố. Cuộc đối thoại thứ ba, cất lên từ một ngôi mộ song táng ở Bãi Cọi. |
TS Phạm Quốc Quân
Ủy viên Ban Chấp hành Hội DSVH Việt Nam
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam