Chùa Tân Thanh: Điểm đến tâm linh nơi biên cương phía Bắc

Với kiến trúc thuần Việt, đậm đà nét văn hóa Bắc Bộ cổ truyền, chùa Tân Thanh không chỉ là nơi thờ Phật mà còn có ý nghĩa như một cột mốc văn hóa, tâm linh của người Việt Nam với nhiều nét độc đáo. Năm 2022 chùa Tân Thanh đã được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Lạng Sơn.

Chùa Tân Thanh

Cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 28km về phía Tây Bắc và cách đường biên giới Việt – Trung chừng 300 mét, chùa Tân Thanh nằm ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ngôi chùa được khởi công năm 2015 với diện tích 21ha, tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng từ nguồn phát tâm công đức của phật tử gần xa.

Viên đá đầu tiên xây dựng chùa Tân Thanh

Chính giữa cửa chùa là bảng tên được viết theo lối thư pháp tiếng Việt đơn giản nhưng không kém phần trang nhã và uy nghiêm. Phía dưới 3 lối cổng vào có 4 câu đối: “Tới cửa chùa lòng sạch trần duyên tiêu tục lụy/ Lui tới trang nghiêm thế sự lợi danh ngoài cảnh Phật/ Ra vào tự tại pháp môn giải thoát tại lòng ta/ Vào cửa Phật miệng câu Tam Bảo niệm tâm kinh”.

Thượng tọa Thích Quảng Truyền – Trưởng ban Trị sự Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, trụ trì chùa Tân Thanh cho biết: “Khi xây dựng chùa tôi là người thiết kế, và đưa ra ý tưởng tất cả viên gạch xây dựng chùa đều được đúc chữ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Phật Lịch 2559 khởi tạo chùa Tân Thanh”. Nhằm khẳng định đây là cột mốc văn hóa, cột mốc chủ quyền thể hiện nền văn hóa của người Việt, không gì có thể thay đổi được, thời gian có thể làm mục nát, làm hư hỏng nhiều thứ, nhưng cột mốc văn hóa tâm linh này muôn đời không bao giờ mất đi”.

Chùa Tân Thanh gồm 3 khu: Điện thờ chính (cung Tam Bảo), điện thờ Đức Thánh Trần, điện thờ Đức Thánh Mẫu và Tam Quan. Điện chính của chùa Tân Thanh được xây dựng tại vị trí đắc địa trên thế đất “long chầu hổ phục” với bên trái có núi hình rồng chầu, bên phải có núi hình voi phục, phía sau có thế núi như ngai rồng… Trung tâm sảnh của chùa được bài trí chiếu rồng bằng đá, chạm trổ hình rồng thời Lý trên phiến đá nặng trên 90 tấn.

Cảnh xung quanh chùa

Đến với chùa, du khách đều dễ dàng nhận thấy nơi đây mang đậm màu sắc kiến trúc thuần Việt, hài hòa với cảnh quan tổng thể, cách bố trí các khu thờ tự, bài trí trong các điện thờ. Đặc biệt là tất cả câu đối, hoành phi trong chùa đều hoàn toàn là chữ thư pháp Việt. Trong chùa có bức hoành phi lớn chạm hai câu thơ “Trấn Ải Tân Thanh trung nghĩa lưu sử sách – Non sông Đại Việt trường tồn mãi nghìn thu” như lời nhắc nhở và khẳng định về chủ quyền bờ cõi nước Nam.

Khánh An

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *