77 năm trước, vào ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám đã thành công vang dội, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Sự kiện này không chỉ giải phóng đất nước khỏi gần 100 năm dưới ách áp bức của thực dân Pháp mà còn hoàn toàn xóa bỏ chế độ phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới với việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vào tháng 8-1945, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng tổ chức ở Tân Trào, Tuyên Quang, Đảng đã khẳng định: “Thời cơ giành độc lập đã đến” và quyết định phát động toàn dân đứng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh tiến vào Đông Dương, với ba nguyên tắc đảm bảo thắng lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa: Tập trung, thống nhất và kịp thời. Vào lúc 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào đã thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh” và “Lệnh tổng khởi nghĩa”; đồng thời, quyết định quốc kỳ, quốc ca, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa, khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18-8, cuộc tổng khởi nghĩa đã nổ ra và giành thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19-8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Hà Nội. Tiếp đó, ngày 23-8, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Huế, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu… Đến ngày 25-8, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Sài Gòn – Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre… Tại Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng nổi dậy giành chính quyền.
Chỉ trong 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã hoàn toàn giành thắng lợi, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 19-8-1945 cũng được xác định là Ngày truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam. Lực lượng này, sinh ra và lớn lên trong bão táp cách mạng, đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ trước những kẻ thù trong và ngoài nước. Hiện nay, lực lượng Công an nhân dân ngày càng thấm nhuần sáu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần cảnh giác và tiến công địch trên mọi mặt trận, nỗ lực xây dựng và phát triển lực lượng, dựa vào sức mạnh tổng hợp để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Với những thành tích xuất sắc, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Ngày 19-8-1947, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc” và “Thư gửi đồng bào Việt Bắc”. Trong thư gửi đồng bào cả nước, Bác phân tích: “Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng dân tộc ta khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và ách thống trị của thực dân… đã xây dựng cho nhân dân ta nền tảng Dân chủ Cộng hòa và độc lập thống nhất. Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng Tháng Tám tranh tự chủ chống ngoại xâm. Giống như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng Tháng Tám thực hiện lý tưởng: Bình đẳng, Tự do, Bác ái. Theo bước Cách mạng 1911 của Trung Quốc, Cách mạng Tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh”.
Trong thư gửi đồng bào căn cứ địa cách mạng, Bác viết: “Đồng bào Việt Bắc đã có một lịch sử cách mạng rất vẻ vang. Xưa kia cụ Hoàng Hoa Thám và những vị anh hùng khác đã dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp suốt mấy chục năm. Gần đây Việt Bắc là căn cứ địa oai hùng của Quân giải phóng chống Nhật, kháng Pháp… Sự vẻ vang đó có được là nhờ toàn thể đồng bào Việt Bắc: Kinh, Thổ, Mán, Nùng, Mèo, v.v… ai cũng yêu nước, ai cũng không chịu làm nô lệ, ai cũng đoàn kết, ai cũng hăng hái ủng hộ cách mạng”.
Trong cùng thời gian này, Bác Hồ còn viết “Thư gửi Nhi đồng toàn quốc” căn dặn: “… Việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Làm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tuổi các cháu còn nhỏ, thì các cháu làm những công việc nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc lớn. Bác mong các cháu làm việc và học hành, xứng đáng là nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thống nhất và độc lập”.
Ngày 19-8-1950, trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập 2-9”, Bác viết: “Nước ta vừa độc lập được 5 năm, đã 5 năm nhân dân ta kháng chiến. Chúng ta quyết hy sinh gian khổ để bảo vệ độc lập, thống nhất của đất nước và để con cháu ta được sống tự do, hạnh phúc muôn đời sau”, đồng thời nêu gương sáng: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người ưu tú của Tổ quốc… Đồng chí là một tấm gương đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời tận tâm phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
(Theo Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa”, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Muốn ăn quả tốt, phải trồng cây to” là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập” ngày 19-8-1950. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đánh tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước do nhân dân lao động làm chủ. Nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập, dân chủ, và Đảng ta từ một tổ chức bất hợp pháp đã trở thành một Đảng cầm quyền, đưa dân tộc ta lên hàng tiên phong trên thế giới. Tuy nhiên, chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhất là khi thực dân Pháp mưu toan trở lại xâm lược nước ta.
Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút về căn cứ địa Việt Bắc để bảo toàn và phát triển lực lượng, chỉ đạo toàn quốc kháng chiến trường kỳ, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 (Chiến dịch Lê Hồng Phong 2) nhằm phá thế bị cô lập ở Việt Bắc, khai thông biên giới Việt – Trung để tiếp nhận viện trợ; mở rộng căn cứ địa và tiêu diệt một phần quân đồn trú Pháp, thử nghiệm các chiến thuật cho quân đội ta, khi đó còn thiếu kinh nghiệm tác chiến quy mô lớn và chủ yếu dựa vào cách đánh du kích.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo kháng chiến trường kỳ của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, và hy sinh, với tinh thần:
“Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…”
Rồi từ đó ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, là lực lượng nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh đổ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã trở thành động lực to lớn cổ vũ toàn quân đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, và không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước. Toàn quân luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tin cùng chuyên mục:
Nghề làm bánh Pía tỉnh Sóc Trăng: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chi hội Di sản văn hóa Trần Nhân Tông Bình Dương: Để Di sản văn hóa Việt Nam luôn phát huy và tỏa sáng
Chi Hội Di Sản Văn Hóa Kỷ Nguyên Mới – Tôn Vinh Giá Trị Văn Hóa và Truyền Thống Việt
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam